SỐNG KHỎE

Dấu hiệu bệnh viêm tai giữa ở trẻ em cha mẹ cần biết

29/07/2019 - 08:30

Viêm tai giữa (hay còn gọi là nhiễm trùng tai giữa) là căn bệnh phổ biển ở trẻ nhỏ. Bệnh không chỉ giảm khả năng nghe, làm cho bé bị đau và ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm của bé. Cha mẹ hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này nhé!

Viêm tai giữa là gì?

Tai được chia làm ba phần bao gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong tai có một ống nối tai giữa với cổ họng, được gọi là vòi nhĩ hay ống eustachian. Vòi nhĩ đảm nhận ba chức năng quan trọng:

  • Thông hơi giúp giữ áp suất không khí ở tai giữa luôn cân bằng với áp suất không khí bên ngoài.
  • Bảo vệ tai giữa khỏi áp lực âm thanh và ngăn chặn sự xâm nhập của dịch từ mũi, họng chảy vào tai giữa.
  • Giúp tiêu dịch từ tai giữa chảy về họng.

Vì vòi nhĩ của trẻ ngắn, rộng và phát triển theo chiều ngang nên khi họng và mũi tiết chất nhầy, vi khuẩn sẽ dễ bám vào và di chuyển xung quanh khu vực này. Dịch lỏng từ mũi họng bị mắc kẹt ở bất kì vị trí nào trong khoang tai (chẳng hạn như vùng giữa tai) sẽ là cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi.

Trong các trường hợp bị viêm tai giữa, khoảng 2/3 trong đó là do vi khuẩn phế cầu, đây cũng là vi khuẩn gây viêm phổi. Vì thế, trong các trường hợp này bác sĩ sẽ cho trẻ dùng kháng sinh.

 Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là một chứng bệnh khá phổ biến, bệnh có nguy cơ gây suy giảm thính lực - Ảnh minh họa: Internet

 Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em là một chứng bệnh khá phổ biến, bệnh có nguy cơ gây suy giảm thính lực - Ảnh minh họa: Internet

Viêm tai giữa có thể gặp ở nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ phát triển chưa đầy đủ nên không đủ khả năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Bên cạnh đó do cấu trúc tai của trẻ chưa hoàn chỉnh như người lớn nên cũng dễ mắc bệnh hơn.

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thường xuất hiện vào mùa đông, mùa của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp và cảm lạnh.

Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em

Khi bị viêm tai giữa trẻ thường có những biểu hiện đặc trưng sau:

  • Nếu bé bị ho hoặc sổ mũi rồi đột nhiên bị sốt từ 3 – 5 ngày rất có thể bé đã bị bệnh viêm.
  • Nếu bị nhiễm trùng bé có thể bứt rứt ở tai và hay ngoáy tai.
  • Nếu đang chập chững tập đi, bé có thể mất thăng bằng và trở nên vụng về hơn bình thường khi mắc căn bệnh này.
  • Khi bị bệnh bé có thể cảm thấy đau khi bú hay ăn dặm. Khi cho trẻ bú, bé thường quay mặt đi hay dứt miệng ra khỏi núm vú dù bú bình hay bú sữa mẹ.
  • Ngoài ra, bé sẽ không muốn nằm ngửa khi ngủ mà trở mình liên tục do các cơn đau tai, trẻ thường thức giấc vào ban đêm và tỏ ra đau đớn, nhất là khi thời tiết trở lạnh, đây là “tín hiệu khẩn” bé gửi đến cho bạn rồi đấy.
  • Đối với biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh, ngoài các dấu hiệu trên đôi khi trẻ sẽ còn đổ ghèn ở mắt. Ở những tháng đầu đời, trẻ đổ ghèn có thể do tắc tuyến lệ, tuy nhiên khi trẻ đã lớn hơn đi kèm với biểu hiện này kèm với các cơn cảm lạnh, điều này cho thấy một vùng xoang hoặc tai của trẻ đã bị viêm.
 Hình ảnh ống tai trẻ bị viêm tai giữa chảy mủ - Ảnh minh họa: Internet

 Hình ảnh ống tai trẻ bị viêm tai giữa chảy mủ - Ảnh minh họa: Internet

Việc chữa trị sớm sẽ mang lại kết quả tươi sáng, do đó cha mẹ cần đọc “ngôn ngữ đau tai” của trẻ để phát hiện bệnh kịp thời, cho trẻ đến bác sĩ để kiểm tra và có phương pháp điều trị bệnh.

Cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Viêm tai giữa ở trẻ em có nguy hiểm không là câu hỏi nhiều bậc cha mẹ thắc mắc. Khả năng nghe phụ thuộc vào sự rung đúng nhịp của màng nhĩ và vùng tai giữa. Việc viêm tai tái đi tái lại sẽ làm tổn thương màng nhĩ cũng như khả năng rung của nó, điều này sẽ làm khả năng nghe của trẻ bị giảm đi. Đó là lý do vì sao bệnh viêm tai giữa được xem là bệnh nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ đang trong giai đoạn tập nói.

Việc thính lực bị giảm sút định kỳ sẽ làm hạn chế khả năng nói của trẻ, làm cho trẻ gặp các vấn đề về ngôn ngữ và điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập của trẻ sau này.

Hầu hết các bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ từ nhẹ tới vừa sẽ tự khỏi mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bác sĩ tiếp cận bệnh với phương pháp “Quan sát và Chờ”.

Quan sát ở đây là tập trung vào những biểu hiện của trẻ, xem trẻ có bị đau hơn không. Còn chờ nghĩa là bác sĩ sẽ không dùng kháng sinh ngay, ngay cả khi xác định vùng tai giữa của trẻ có chứa dịch. Sau 2 – 3 ngày mà bệnh của trẻ không tiến triển, lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc dùng kháng sinh cho trẻ.

Khi trẻ bị viêm tai giữa đều cần vệ sinh sạch sẽ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các mẹ có thể tham khảo cách sơ bộ như sau:

  • Dùng khăn mặt rửa bằng nước ấm và vắt khô lau tai cho trẻ.
  • Sau đó nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào tai hoặc dùng thuốc rửa tai hằng ngày để trẻ mau khỏi. tuyệt đối không tự ý dùng oxy già nhỏ vào tai hoặc nạo các viên thuốc kháng sinh rồi rắc vào tai của trẻ. Cách này sẽ để lại những di chứng nặng nề như điếc không hồi phục.
  • Nếu như tai trẻ có dịch mũ, các mẹ có thể tự làm bấc sâu kèn bằng cách dùng giấy thấm hoặc mảnh vải bông sạch cuộn lại thành sâu kèn. Đặt sau kèn vào tai trẻ cho đến khi thấm hết mũ, lấy sau kèn ra và thay bằng một sâu kèn khác, làm liên tục đến khi tai khô.

Nếu màng nhĩ của trẻ bị phồng lên và đau dữ dội kèm sốt, nôn, tiêu chảy. Các bác sĩ có thể chọc thủng màng nhĩ để dịch chảy ra ngoài, sau thủ thuật này bệnh sẽ giảm bớt, thính giác được khôi phục và màng nhĩ sẽ tự lành.

 Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em có thể tự khỏi khi cha mẹ vệ sinh tai cho trẻ đúng cách - Ảnh minh họa: Internet

 Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em có thể tự khỏi khi cha mẹ vệ sinh tai cho trẻ đúng cách - Ảnh minh họa: Internet

Để phòng chống bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, cha mẹ phải ngăn chặn không cho vi khuẩn tấn công đôi tai nhỏ xíu của con. Một số phương pháp phòng chống bệnh như:

  • Cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời vì trong sữa mẹ có kháng thể giúp cho bé có sức đề kháng tốt. Nếu cho trẻ bú bình, cho trẻ bú ở tư thế đầu cao hơn người (ít nhất tạo góc nghiêng 30 độ) và giúp cho trẻ ợ hơi sau khi bú.
  • Tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ bằng cách bổ sung trái cây, rau củ quả và hải sản.
  • Vệ sinh cho trẻ như khi tắm không cho nước vào tai, vệ sinh mũi họng để trẻ không bị viêm amidan, VA vì giữa mũi họng và tai có ống thông nhau nên vi khuẩn trong vùng mũi họng có thể lây lan sang tai.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Kiểm tra xem trẻ đã chích ngừa vắc xin cúm, phế cầu chưa. Tiêm vắc xin có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp ở trẻ em.

Khi trẻ càng lớn, hệ thống tai trong trẻ sẽ ngày càng hoàn thiện và khả năng mắc bệnh viêm tai giữa cũng sẽ giảm dần. Cha mẹ cần đọc đúng các triệu chứng của bệnh và điều trị kịp thời cho trẻ nhé!

Theo An Nhiên/Phụ Nữ Sức Khỏe
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/dau-hieu-benh-viem-tai-giua-o-tre-em-cha-me-can-biet-c21a322700.html
...