NHỊP SỐNG

Thư học sinh gửi cha mẹ khiến phụ huynh rơi nước mắt

26/09/2018 - 17:33

Nhiều học sinh bật khóc khi trải lòng trước đề bài của cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh, còn phụ huynh lặng lẽ rơi nước mắt khi đọc được tâm sự của con mình.

Trong tiết học Văn của lớp 10A13, trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh dành 30 phút cho học sinh làm bài kiểm tra đặc biệt.

Trong không gian âm nhạc nhẹ nhàng, cô Quỳnh Anh ra đề bài: "Con tưởng tượng mình sẽ viết một lá thư gửi đến ba, mẹ, nói những điều mình muốn, gì cũng được. Cô sẽ chấm điểm cho cảm xúc thật nhất và không cho ba mẹ con xem". 

Những cảm xúc đặc biệt

"Ngay sau khi mình đọc đề bài, nhiều bạn nhỏ đã la oai oái rằng yêu cầu đề sến quá. Nhiều em bảo ba mẹ gặp mỗi ngày, con không nói đâu, sến lắm. Mình chỉ cười, bảo các con im lặng nghe nhạc không lời đã, sau đó nghĩ về những điều mình chất chứa rồi trải lòng.

Một lúc sau, mọi thứ im ắng hẳn. Đầu tiên, mình phát hiện cậu bé đang quệt vội nước mắt, rồi nghe tiếng sụt sùi ở đâu đó. Cứ vậy, các con viết ra mọi thứ", cô Quỳnh Anh kể lại không khí lớp học.

Đến khi chấm bài, chính cô giáo trẻ cũng không cầm được nước mắt với những câu chuyện của học trò. Có những bài làm nhòe chữ vì nước mắt, và những câu chuyện không kể cùng ai.

Một học sinh viết thư gửi mẹ ở trên trời:

Bức thư gửi mẹ ở trên trời của cậu học trò. Ảnh: NVCC.

Bức thư gửi mẹ ở trên trời của cậu học trò. Ảnh: NVCC.

"Chắc ở nơi nào đó, mẹ cũng vui vì nhìn thấy con hạnh phúc và trưởng thành hơn. Cũng lâu lắm rồi, con không lên thắp hương cho mẹ, con thật có lỗi. Sống ở đây, con được ba lo cho rất đầy đủ, nhưng đôi khi con lại muốn cảm giác được mẹ chăm sóc khi còn nhỏ hơn, ước gì có thể quay ngược lại thời gian để con ngập tràn trong phút giây đó. 

Con vẫn chưa nói 'Con yêu mẹ' được và đây là điều hối tiếc nhất trong cuộc đời con. Nhưng con biết mẹ sẽ hiểu được tấm lòng của con vì con ít khi thể hiện sự yêu thương bằng lời nói mà chỉ thể hiện bằng những thành quả mà con đạt được.

Mọi chuyện đều do định mệnh nên mẹ đừng buồn, cả nhà luôn yêu thương mẹ. Nếu có kiếp sau con muốn làm con của mẹ một lần nữa.

Yêu mẹ! Chúc mẹ luôn hạnh phúc ở phương xa".

Cô Quỳnh Anh tâm sự cô thấy may mắn vì đọc được những "bài tập làm văn" chân thật và đầy cảm xúc. Thương lắm những lá thư viết cho mẹ ở trên trời, thương những nỗi buồn vì hạnh phúc bị khuyết của các em...

Nữ giáo viên muốn ba, mẹ học sinh đọc được những dòng này để hiểu rằng các em rất sâu sắc, đang dần trưởng thành, rất yêu người thân nhưng chưa bao giờ dám nói. 

Cô giáo 9X gửi những lá thư đến ba, mẹ của các bạn trong buổi họp phụ huynh nhưng đã che đi những lời tâm sự các em giữ cho riêng mình bằng băng keo. Trong lá thư gửi phụ huynh, cô giáo kẹp vào đó tấm hình của mỗi bạn trong bộ đồng phục mới.

Đầu tuần sau, học sinh trong lớp cũng nhận lại được những lá thư, lời nhắn nhủ từ ba, mẹ. Những lời nhắn này được treo ở cuối lớp, động viên các bạn trẻ trong một chặng đường mới.

Những lời nhắn nhủ của các bậc phụ huynh được đính ở cuối lớp.

Những lời nhắn nhủ của các bậc phụ huynh được đính ở cuối lớp.

Cổ vũ học trò chia sẻ quan điểm chân thànhChia sẻ với Zing.vn, cô Quỳnh Anh cho hay khi dự định đưa ra đề bài trên, cô cũng đoán trước học sinh sẽ phản ứng và ngần ngại, không hợp tác, vì lâu nay các em đều viết văn theo khuôn sáo, ít khi trải lòng.

"Mình cũng dự đoán được tình hình, vì học sinh bây giờ còn mấy đứa viết thật cảm xúc đâu. Nhưng trước đó, mình xem hồ sơ học sinh lớp, nhiều trường hợp mất cha, mẹ; cha mẹ tan vỡ hoặc ở với chị nên thấy các bé trong lớp rất nhiều tâm tư. Quả thực đúng như vậy", cô Quỳnh Anh cho biết.

Bức thư của một cô hoc trò kể về những cảm xúc khi gia đình tan vỡ. Ảnh: NVCC.

Bức thư của một cô hoc trò kể về những cảm xúc khi gia đình tan vỡ. Ảnh: NVCC.

Thông qua bài kiểm tra, cô giáo trẻ hiểu được học sinh của mình đang nghĩ gì, có khúc mắc nào với gia đình. Những lời tâm sự chân thật sẽ giúp bố mẹ và con cái gần và hiểu nhau hơn. Cô Quỳnh Anh cho biết dù đã đứng lớp được 5 năm, đây là lần đầu tiên nữ giáo viên áp dụng bài kiểm tra này trên lớp học.

"Thấy phụ huynh khóc, các mẹ mắt đỏ hoe, còn ba lặng lẽ hơn khi đọc thư, mình nghĩ phụ huynh đã hiểu con mình hơn, biết rằng các em đã chín chắn, có những suy nghĩ riêng, chứ không vô tư như cha mẹ vẫn nghĩ. Sau buổi họp, nhiều phụ huynh nán lại nói chuyện với mình, đọc những dòng phụ huynh viết cho con, mình nghĩ đã làm đúng", cô giáo 9X kể.

Cô chủ nhiệm Quỳnh Anh và học trò của mình. Ảnh: NVCC.

Cô chủ nhiệm Quỳnh Anh và học trò của mình. Ảnh: NVCC.

Cô giáo trẻ chia sẻ những bài văn như trên chỉ là bước khởi đầu để nuôi dưỡng cảm xúc của học sinh. Học trò đã sống lại xúc cảm, rung lên nhịp đầu tiên nhưng để duy trì nó vẫn cần nhiều bài giảng, tiết học mỗi ngày. Đó chính là nhiệm vụ của thầy cô giáo.

Cô cho biết trong giờ dạy luôn có nguyên tắc học sinh được quyền tự do phát biểu suy nghĩ riêng. Giáo viên không bao giờ đánh giá đúng hay sai.

"Ở lớp, sau những bài Tấm Cám hay bi kịch của An Dương Vương, bi kịch tình yêu Mị Châu - Trọng Thuỷ, học sinh sẽ được hỏi các em thương hay trách nhân vật, vì sao. Các em tự trả lời, tự tranh luận với nhau. Như vậy, các em luôn cảm thấy hứng thú và được học Văn bằng cái nhìn của chính mình", cô giáo trẻ nói.

Theo Zing.vn
Nguồn: https://news.zing.vn/thu-hoc-sinh-gui-cha-me-khien-phu-huynh-roi-nuoc-mat-post879832.html
...