Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7: Những khoản tiền nào của người lao động sẽ tăng theo?
Một trong những quan tâm lớn nhất của người lao động hiện nay là tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7. Vậy những khoản tiền nào của người lao động sẽ tăng theo?
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 làm tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)
Khi tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022, người lao động đang được trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng mới sẽ được tăng lương. Bộ Luật lao động quy định, mức tiền lương tối thiểu vùng là căn cứ, cơ sở để tính tiền lương.
Theo đó, chủ sử dụng phải trả lương cho lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Ngoài tăng lương cho lao động có nền tiền lương thấp, doanh nghiệp còn phải chịu tăng mức đóng BHXH hàng tháng do nền tiền lương đóng BHXH tăng theo.
Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Do đó, tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 sẽ là cơ sở buộc các doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Nhờ việc tăng mức đóng BHXH mà mức hưởng các chế độ BHXH cũng sẽ tăng theo.
Tăng lương tối thiểu vùng giúp tăng tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Tương tự như việc đóng BHXH bắt buộc, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng phụ thuộc vào tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Điều này đồng nghĩa với việc mức lương tối thiểu vùng đóng BHXH năm 2022 cũng sẽ tăng.
Như vậy, tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp của lao động cũng tăng theo.
Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, Điều 50 Luật Việc làm 2013 đã nêu rõ: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Như vậy, khi tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 cũng sẽ làm tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động.
Từ ngày 1/7, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6% so với quy định hiện hành. Nếu trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp sẽ bị phạt nặng.
Khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tiền lương. Cụ thể mức xử phạt tối thiểu là 20 triệu đồng nếu doanh nghiệp vi phạm từ 10-30 lao động và tối đa là phạt tới 75 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Ngoài bị phạt tiền như trên, người sử dụng lao động còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải trả đủ lương, cộng lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu theo quy định; Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và lãi suất chậm đóng.