NHỊP SỐNG

Bi kịch của gia đình có 4 người chết vì virus corona trong 2 tuần

19/02/2020 - 14:38

Cái chết của 4 thành viên trong một gia đình ở tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc làm dấy lên những nghi ngại về chính sách tự cách ly tại nhà vào thời điểm dịch bệnh bùng phát do virus corona.

 Nhân viên y tế mặc bảo hộ khi tiếp xúc với một bệnh nhân ở khu cách ly của một bệnh viện ở Vũ Hán hôm 13/2. (Ảnh: China Daily)

 Nhân viên y tế mặc bảo hộ khi tiếp xúc với một bệnh nhân ở khu cách ly của một bệnh viện ở Vũ Hán hôm 13/2. (Ảnh: China Daily)

Bi kịch gia đình vì virus corona

Theo hãng tin Caixin, Chang Kai, một giám đốc có tiếng tại hãng phim Hồ Bắc, đã qua đời hôm 14/2 ở tuổi 55 vì viêm phổi do nhiễm virus corona chủng mới (hay còn gọi là Covid-19). Bố mẹ và chị gái của ông cũng qua đời vì căn bệnh này trong thời gian từ ngày 28/1 đến 14/2.

Bi kịch của gia đình ông Chang cho thấy giới chức địa phương có thể đã ứng phó sai lầm ở giai đoạn đầu bùng phát dịch với việc áp dụng chính sách cho người bệnh tự cách ly tại nhà nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện đều đã trong tình trạng quá tải và thiếu thốn trang thiết bị.

Chen Bo, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán, nhận định với Caixin rằng, chính sách tự cách ly tại nhà có thể kéo theo tình trạng lây chéo trong gia đình và cộng đồng và khiến các ca tử vong nhiều hơn khi người bệnh nặng không có cơ hội được điều trị.

Một bạn học cũ của ông Chang cho biết với Caixin rằng, bố của ông Chang phát hiện các triệu chứng đầu tiên nhiễm Covid-19 là vào ngày 25/1, ngày đầu tiên của tết âm lịch. Ông Chang đã đưa bố mình đến một số bệnh viện ở Vũ Hán nhưng đều bị từ chối vì không có giường bệnh. Ba ngày sau đó, bố ông Chang qua đời.

Tuy nhiên, bi kịch của gia đình ông khi đó mới chỉ bắt đầu. Vào hôm 2/2, mẹ của ông Chang cũng qua đời vì nhiễm Covid-19. Cùng ngày hôm đó, chuyên gia dịch tễ nổi tiếng của Trung Quốc Zhong Nanshan cảnh báo trên truyền hình rằng việc các bệnh viện không đủ giường bệnh buộc trả các bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 về nhà là “rất nguy hiểm”.

Cũng vào ngày 2/2, giới chức Vũ Hán thông báo họ ngừng chính sách tự cách ly tại nhà và bắt đầu phân loại bệnh nhân nhiễm bệnh và bệnh nhân nghi nhiễm, những người có triệu chứng sốt và các vấn đề sức khỏe khác, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng chưa có triệu chứng. Chính sách này phân loại bệnh nhân để giúp có phương án ứng phó, điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, sự thay đổi này dường như quá muộn màng cho gia đình ông Chang. Hôm 14/2, vài giờ sau khi ông Chang qua đời, chị gái của ông cũng trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian chiến đấu với Covid-19. Vợ của ông cũng nhiễm bệnh và biến chuyển nặng.

Trong di thư của mình, ông Chang đã kể lại việc gia đình ông đã chật vật để mong có được giường bệnh như thế nào cũng như tình trạng sức khỏe của ông kể từ sau đó.

Gõ cửa từng nhà tìm người nhiễm bệnh

 Đội ngũ y tế mặc đồ bảo hộ tới từng nhà ở thành phố Vũ Hán để kiểm tra, phát hiện người nhiễm bệnh và bị nghi nhiễm bệnh. Ảnh: China Daily.

 Đội ngũ y tế mặc đồ bảo hộ tới từng nhà ở thành phố Vũ Hán để kiểm tra, phát hiện người nhiễm bệnh và bị nghi nhiễm bệnh. Ảnh: China Daily.

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch lây lan, chính quyền Vũ Hán đầu tuần này đã triển khai chiến dịch "sàng lọc" để phát hiện những người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trong vòng 3 ngày. Đây là một thách thức không hề nhỏ ở một thành phố với hơn 11 triệu dân ngay cả khi có sự hỗ trợ của hệ thống dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Chiến dịch nhằm đạt 5 mục tiêu gồm đảm bảo tất cả những người bị nghi nhiễm Covid-19 bị buộc xét nghiệm, cách ly các bệnh nhân nhiễm bệnh, kiểm tra toàn bộ các bệnh nhân có triệu chứng sốt, cách ly những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và đảm bảo tất cả các cộng đồng dân cư thực hiện các biện pháp phong tỏa 24/24.

Chỉ thị nêu rõ, bất cứ ai không tuân thủ các quy định như báo cáo các trường hợp sốt, ho cho chính quyền địa phương hoặc quy định về cách ly sẽ đối mặt với chế tài xử phạt. Ngoài ra, bất cứ ai tung tin thất thiệt về dịch bệnh, trì hoãn báo cáo bệnh cũng sẽ bị xử phạt.

Một đoạn video được đăng tải trên nhật báo Changjiang, cơ quan ngôn luận của đảng ủy Vũ Hán, cho thấy giới chức địa phương mặc quần áo bảo hộ gõ cửa từng nhà và đo thân nhiệt cho người dân.

Peng Zhiyong, bác sĩ tại một bệnh viện ở Vũ Hán, cho biết thành phố gặp nhiều trở ngại trong việc thống kê số bệnh nhân hoặc trường hợp nghi nhiễm Covid-19 do thiếu nguồn lực y tế. Tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho biết, sau khi chỉ thị mới được ban hành, một số tình nguyện viên đã được huy động, giúp cho việc liên lạc với người dân dễ dàng hơn.

Trước đó, trong một động thái được cho là nhằm hỗ trợ phát hiện sớm và tăng cơ hội điều trị cho những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, Ủy ban Y tế Hồ Bắc đã thay đổi cách thống kê người nhiễm bệnh. Cụ thể, thay vì chỉ thống kê những người được xác định nhiễm bệnh qua xét nghiệm, họ thống kê cả những người bị nghi nhiễm bệnh qua chẩn đoán lâm sàng.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Dịch đã nhanh chóng lan ra tất cả các tỉnh, thành của Trung Quốc và ít nhất 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 người, khiến hơn 75.000 người nhiễm bệnh.

Dịch bùng phát nhanh khiến các bệnh viện ở tâm dịch Vũ Hán luôn trong tình trạng quá tải. Trung Quốc đã lập ra 2 bệnh viện dã chiến và các bệnh viện tạm để giảm tải cho các bệnh viện tuyến đầu, đồng thời điều động hàng nghìn bác sĩ quân y cho vùng dịch.

Theo Minh Phương/Dân Trí
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/bi-kich-cua-gia-dinh-co-4-nguoi-chet-vi-virus-corona-trong-2-tuan-20200219125059219.htm
...