NHỊP SỐNG

Bên trong bệnh viện Vũ Hán: Bệnh nhân nắm chặt tay cầu xin đừng bỏ rơi

17/02/2020 - 08:49

Bác sĩ Huang Xiaobo đã chia sẻ về những khó khăn tại một bệnh viện nhỏ ở Vũ Hán, hành trình vực bệnh viện từ cánh cửa tử thần cùng khao khát sống mãnh liệt của các bệnh nhân.

 Khung cảnh hoảng loạn với sự tuyệt vọng bao trùm trong những ngày đầu

Hôm qua đánh dấu 10 ngày kể từ khi tôi cùng đội cứu trợ chống dịch đến Vũ Hán. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi có chút thời gian ít ỏi để nghỉ ngơi.

Chúng tôi đến Vũ Hán vào ngày 26 tháng 1 và bắt đầu công việc tại Hội Chữ thập đỏ. Trước đây, tôi đã có kinh nghiệm trong công tác cứu hộ khi trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 làm hơn 87.000 người chết. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khung cảnh bệnh viện cũng không hỗn loạn như khi tôi bước vào Hội chữ thập đỏ.

Đây là một bệnh viện nhỏ với 400 bác sĩ và nhân viên điều dưỡng, khoảng 300 giường bệnh. Tháng trước, chính phủ đã ra lệnh cho bệnh viện là nơi khẩn cấp đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân sốt cao và cơ sở thứ hai điều trị cho bệnh nhân bị lây nhiễm. Điều đó có nghĩa bệnh viện phải tiếp nhận tới 800 bệnh nhân mỗi ngày. Nói một cách thẳng thắn, chúng tôi không thể đáp ứng nổi.

Y bác sĩ tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Y bác sĩ tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Bệnh nhân bị nghi nhiễm Covid-19 lẫn với bệnh nhân sốt bình thường. Chính điều đó đã khiến bệnh viện có thể thành nơi truyền nhiễm. Trong khoa điều trị nội trú, các giường nằm đều đã có bệnh nhân, trong khi các hành lang nhiều người vẫn xếp hàng dài để đợi theo dõi. Người bệnh và người khỏe mạnh chen chúc nhau.

Nhưng vấn đề chính là sự lây nhiễm rộng rãi của nhân viên y tế, hơn 30 người trong số họ đã phải nhập viện, trong khi 30 người khác phải cách ly. 1/6 nhân sự không thể làm việc và mọi người đều lo lắng rằng họ sẽ là người nhiễm tiếp theo.

Tôi nhận ra rằng nếu không có biện pháp khẩn cấp, bệnh viện có thể sụp đổ.

Ngày hôm sau, chúng tôi đã hoàn thành các bước xét nghiệm trên hơn 300 bệnh nhân nội trú và chuyển tất cả những người thử nghiệm dương tính lên tầng 2 để cách ly.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của bệnh viện, chúng tôi cũng tách khu cách ly khỏi phần còn lại của cơ sở, kiểm soát cách mọi người di chuyển giữa hai khu vực và lên kế hoạch lưu trữ và xử lý chất thải y tế. Chúng tôi khử trùng khu mỗi ngày và lắp đặt máy khử trùng không khí tại các hành lang.

Thiếu thiết bị y tế

Trong hơn 10 năm kinh nghiệm điều trị bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chưa bao giờ tôi thấy công việc khó khăn như thời gian ở Hội Chữ thập đỏ.

Khi chúng tôi mới đến đây, hàng tá nhân viên ICU đã vô cùng kiệt sức. 1 trong 4 bác sĩ đã được xác nhận nhiễm Covid-19, 2 trường hợp đã được phát hiện trong số các y tá.

Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ còn thiếu rất nhiều nguồn lực để cứu bệnh nhân thoát khỏi cánh cửa tử thần. Là một bác sĩ, khi bạn thấy hơi thở của bệnh nhân bắt đầu suy giảm, trước tiên bạn phải thực hiện hít thở oxy lưu lượng cao, sau đó là máy thở không xâm lấn, đặt nội khí quản và cuối cùng là một thứ gọi là oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) - bơm máu cho bệnh nhân thông qua một máy phổi nhân tạo. Hội Chữ thập đỏ chỉ có thiết bị cho hai bước đầu tiên.

Đội ngũ y bác sĩ Vũ Hán đã làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ.

Đội ngũ y bác sĩ Vũ Hán đã làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ.

Trong vài ngày qua, tôi đã gọi rất nhiều cuộc điện thoại cho những người ở Vũ Hán, cũng như với những người bạn y tế của tôi ở Thành Đô và Trùng Khánh, nhưng không ai có thể lấy cho chúng tôi một máy ECMO. Ủy ban y tế thành phố Vũ Hán đã phê duyệt đơn đăng ký của chúng tôi, nhưng hiện tại chúng tôi vẫn phải chờ. Số lượng máy móc quá ít, vì vậy thật khó để cấp 1 máy cho bệnh viện nhỏ của chúng tôi.

Kể từ khi tôi tiếp quản ICU, 5 bệnh nhân đã chết. 3 trong số họ có thể đã được cứu, hoặc ít nhất có thể sống được một thời gian nữa, nếu chúng tôi có máy ECMO. Tất cả bệnh nhân đều muốn được sống, họ nắm chặt tay chúng tôi và cầu xin các bác sĩ đừng bỏ rơi họ. Nhưng không có thiết bị phù hợp, chúng tôi đành bất lực nhìn sự sống của họ dần trôi qua.

Chúng tôi đã cân nhắc chuyển bệnh nhân nguy kịch đến một bệnh viện khác với nguồn lực tốt hơn, nhưng chúng tôi cần sự cho phép của ủy ban y tế thành phố để làm điều đó, các thủ tục liên quan rất lâu và rắc rối. Vì vậy, chúng tôi phải làm hết sức mình để tự cứu họ.

Hiện tại, chúng tôi không thể làm gì nhiều cho bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi biết rằng không có loại thuốc nào có thể ngăn chặn virus này. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng kéo dài cuộc sống của bệnh nhân và chờ cho bệnh tình tiến triển tích cực.

Có những điều mà bệnh nhân phải tự mình chiến đấu. Những người sống lạc quan sẽ tự kéo mình ra khỏi những tình huống rất nghiêm trọng. Nhưng những người không thể tiếp tục chiến đấu sẽ rất khó duy trì sự sống của mình.

Một công việc mệt mỏi

Tôi thường rời khách sạn vào khoảng 7:30 sáng, di chuyển đến phòng ICU và lúc 10 giờ. Điều quan trọng nhất của công việc là giữ tinh thần cao, khuyến khích bệnh nhân không bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu cho đến khi họ chiến thắng căn bệnh này.

Bệnh nhân của tôi có một ý chí sống mạnh mẽ, đặc biệt là những người lớn tuổi - họ sợ sự cô đơn và cái chết và muốn có bạn đồng hành. Một người đàn ông lớn tuổi trên giường số 13 vẫn ổn khi có bác sĩ hoặc y tá bên cạnh, nhưng ngay khi họ ra ngoài để làm việc khác, ông ấy bắt đầu càu nhàu và gọi cho đến khi họ quay lại.

Tôi thường rời bệnh viện vào khoảng 7 giờ tối, nhưng vẫn còn cả đống việc phải làm khi tôi trở về khách sạn. Là chỉ huy thứ hai của đội ngũ y tế Tứ Xuyên, tôi phải tham gia các cuộc họp của ủy ban điều hành.

Gần đây, tôi nhận được một cuộc gọi từ bác sĩ và y tá, cả hai đều rơi nước mắt sau khi một bệnh nhân qua đời. Họ tự vấn là đã làm tất cả để cứu người bệnh chưa, hay liệu họ đã mắc sai sót gì.

Tôi chỉ có thể nói với họ rằng những điều kiện đang có chính là thực tế, và chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài cố gắng mọi điều có thể để hỗ trợ. Trong vai trò bác sĩ, đó là nghĩa vụ lớn nhất của chúng tôi

Theo Báo Gia đình Việt Nam
Nguồn: https://giadinhvietnam.com/ben-trong-benh-vien-vu-han-benh-nhan-nam-chat-tay-cau-xin-dung-bo-roi-d154077.html
...