GIA ĐÌNH

Bí quyết nhỏ để con rời xa ti vi, điện thoại

09/12/2019 - 13:30

Nhìn con lặng lẽ ráp đồ chơi một mình rồi ngồi thừ im lặng, anh bỗng thấy lo lắng. Anh cảm thấy có điều gì đó không yên tâm.

Nhìn con lặng lẽ ráp đồ chơi một mình rồi ngồi thừ im lặng, anh bỗng thấy lo lắng. Các cô giáo đều nói ở trường con năng động, hoạt bát. Cô thỉnh thoảng quay phim, chụp ảnh lúc con đang vui chơi với bạn rồi gửi cha mẹ xem. Dù vậy, anh vẫn cảm thấy có điều gì đó không yên tâm. Anh dặn vợ chú ý đến con nhiều hơn, sợ thằng bé không ổn.

Năm tuổi, đứa con trai cưng của anh chị không còn quấn quýt bên mẹ suốt ngày như trước. Con thích đến trường hơn ở nhà. Con nói ở trường có nhiều bạn học và chơi chung. Biết con ham đi học, chị mừng thầm. Không thấy thằng bé có biểu hiện gì khác thường, chị cho rằng chồng đang tưởng tượng quá nhiều.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Dù vậy, chị vẫn phải thừa nhận một sự thật là con kém năng động khi ở nhà. Lâu lâu anh chị cũng đưa con về quê, dẫn đi siêu thị, nhà sách, công viên, nhưng phần lớn thời gian cuối tuần con phải chơi trong nhà một mình, vì cha mẹ bận việc và cần nghỉ ngơi sau một tuần mệt nhọc.

Con thích các chương trình dành cho trẻ em trên mạng, và có thể ngồi xem hàng giờ liền. Mê đến nỗi lần nào con cũng khóc lóc khi cha mẹ đề nghị rời màn hình vì đã nhìn vào nó quá lâu. Nhà chỉ có một cái ti vi, cha mẹ luôn phải nhường con xem trước.

Hầu như tháng nào thằng bé cũng có vài món đồ chơi mới. Một lần, thấy cậu trai lớn hơn con một chút hào hứng đạp xe trước nhà, anh mới nhớ con trai mình đang thiếu một chiếc xe. Cuối tháng lãnh lương, anh quyết định mang về một chiếc xe đạp. Vì con tập cưỡi xe lần đầu, nên anh mua loại có gắn hai bánh nhỏ phía sau để giữ thăng bằng.

Con vô cùng hào hứng với món “đồ chơi” mới. Chiều chiều, anh đi bộ vừa cổ vũ vừa trông chừng cho con đạp xe ngược xuôi vài vòng. Hôm nào anh bận, chị sẽ thay thế. Hẻm khá rộng thoáng, nhưng từ khi được thông với những hẻm khác thì thỉnh thoảng có một vài chiếc xe máy phóng qua rất nhanh. Có lẽ vì vậy nên các gia đình hầu như không sắm xe đạp cho con cái vì sợ không an toàn.

Thấy con đạp xe, bọn trẻ hàng xóm ló đầu nhìn con với vẻ tò mò. Điều đó như một sự cổ vũ rất lớn, khiến con càng thêm hào hứng. Rồi con quen thân với anh hàng xóm qua vài buổi chiều chơi xe đạp chung. Con ngưỡng mộ vì anh lái giỏi, và không cần hai bánh xe giữ thăng bằng như xe của con. Con không tin một ngày con sẽ đi được xe hai bánh như lời anh nói.

Những hôm trời mưa không ra ngoài được, con rủ anh sang nhà. Hai anh em lôi đồ chơi ra chơi cùng nhau. Những món đồ chơi quen thuộc đã có phần nhàm chán, nhưng con bỗng say mê, chỉ vì có bạn tham gia cùng.

Hai đứa chơi với nhau hợp ý, lần nào cũng phải đợi mẹ anh đến tận cửa gọi mới chịu dừng. Một lần, mẹ anh gọi anh về vì đến giờ cơm, con tiếc nuối chạy theo nài nỉ: “Anh ơi, ở lại chơi chút nữa đi”. Chị nhìn thấy, thương con quá đỗi. Sự “không ổn” mà chồng chị nói, hóa ra chỉ là con thiếu bạn khi ở nhà. Vợ chồng chị có thể sắm cho con nhiều đồ chơi, đưa con đi chơi khắp nơi, nhưng tất cả không thể bù đắp cho sự thiếu thốn này.

 Ảnh minh hoạ

 Ảnh minh hoạ

Anh chị mới mua nhà ở đây hơn một năm. Hẻm khá yên tĩnh. Hai vợ chồng đều trầm tính nên hầu như không chủ động giao lưu với ai. Nhìn con chơi vui vẻ cùng đứa trẻ hàng xóm, chị biết cả hai vợ chồng nên thay đổi một chút. Chị sẽ quan tâm láng giềng, làm quen mọi người. Khi người lớn biết nhau, các con sẽ thêm cơ hội có những người bạn trang lứa.

Có bạn, con “bỏ rơi” ti vi, điều mà chị không bao giờ có thể tưởng tượng được, bởi chị luôn nghĩ rằng ti vi là thứ con mê nhất trên đời. Vì phải nhường con, lâu ngày anh chị cũng không theo dõi chương trình nào. Thói quen bật ti vi của cả nhà biến mất. Có khi cái ti vi nằm im suốt tuần không ai đụng tới. 

Chỉ một thời gian ngắn, bọn trẻ trong hẻm đã có nhiều chiếc xe đạp nhỏ. Buổi chiều mát mẻ, chúng nhập bọn cưỡi xe, hò reo inh ỏi. Trẻ con dễ kết bạn, các con quen thân rất nhanh. Từ khi con “xuống đường”, anh chị mới nhìn thấy rõ “cục cưng” của mình năng động hoạt bát như thế nào. 

Thấy trẻ con tụ tập chơi đùa, những người lái xe máy ngang qua hẻm tự biết giảm tốc độ, không ai dám phóng vèo vèo như trước. Hẻm này thuộc khu vực nội bộ, không phải trục giao thông chính. Bác tổ trưởng khu phố nói sẽ đề nghị đóng cổng hậu. Nếu cả khu dân cư đồng ý, các con sẽ có một sân chơi an toàn và trong lành. Chắc chắn sẽ có thêm nhiều bạn nhỏ mang xe đạp ra chơi cùng.

Sau vài tuần say mê, con đã có thể tháo hai bánh xe nhỏ ở hai bên. Con rất tự hào về thành tích này, cho rằng bây giờ con mới thật sự cưỡi xe đạp. Các bạn nhỏ hơn bắt đầu ngưỡng mộ con, giống hệt cách con ngưỡng mộ anh bạn thân trước kia. 

Bây giờ, không đợi đến cuối tuần, cứ mỗi chiều đi học về là bọn trẻ lại rủ nhau đạp xe. Đến nhà của “đồng bọn”, chúng dừng lại, réo gọi nhau inh ỏi. Hôm nào chị đón con về trễ, vừa cởi vội áo khoác và ực ly nước xong là con dẫn ngay chiếc xe ra ngoài. Thấy con hoạt bát, anh chị mừng thầm, coi như thằng bé vừa được vui chơi thoải mái vừa hoạt động thể dục thể thao. Chuyện tưởng như nhỏ nhưng thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với cả nhà. 

Theo Phunuonline
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/hon-nhan-gia-dinh/bi-quyet-nho-de-con-roi-xa-ti-vi-dien-thoai-170531/
...