TIÊU DÙNG

Tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, xăng dầu và cua tăng mạnh, trong khi rau xanh rớt giá thê thảm

31/05/2020 - 06:50

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, xăng dầu và cua tăng mạnh; trong khi rau xanh rớt giá thê thảm.

Giá vàng tăng nhẹ

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở quanh mức 1.729 USD/oz, tăng hơn 9 USD/oz so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.

Giá vàng tăng nhẹ.

Giá vàng tăng nhẹ.

Tuần qua, giá vàng thế giới có 3 phiên tăng - giảm xen kẽ nhau. Có 2 phiên cuối tuần tăng liên tiếp, nhưng mức tăng không nhiều chỉ dưới 10 USD/oz.

Phiên biến động mạnh nhất của giá vàng thế giới là ngày 27/5, thị trường quóc tế mất đến 18 USD/oz, về mốc 1.714 USD/oz. Nguyên nhân là do hiệu ứng của Sàn giao dịch Chứng khoán New York đã chính thức mở cửa hoạt động trở lại sau 3 tháng tạm dừng do dịch bệnh Covid-19. Nhà đầu tư đã hồ hởi đầu tư vào cổ phiếu và tạm quên đi kim loại quý. Phiên sau đó, vàng thế giới tiếp tục giảm về mốc 1.707 USD/oz.

Giá vàng thế giới tuần qua thiếu yếu tố hỗ trợ nên cân bằng giữa phiên tăng và giảm. Sự biến động của giá vàng xoay quanh số liệu thất nghiệp tại Mỹ, việc các nước dần mở cửa trở lại nền kinh tế. Chốt tuần giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ cơ bản đi ngang so với mức giá khởi điểm tuần ở mức 1.729 USD/oz. Tại thị trường châu Á kim loại quý tăng nhẹ khoảng 3 USD.oz so với đầu tuần.

Thị trường trong nước, tuần qua, giá vàng SJC có 3 phiên ngược chiều với thế giới. Trong ffos có hiên 28 và 29/5 là phiên thứ 2 liên tiếp vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng quốc tế.

Theo nhận định của một số DN, giá vàng SJC tuần qua không theo xu hướng của thế giới mà theo nhu cầu mua sắm trong nước. Hầu hết các phiên trong tuần vàng SJC điều chỉnh mức giá không nhiều, chỉ vài chục nghìn tăng - giảm mỗi phiên. Tuy nhiên cũng có đơn vị điều chỉnh tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/lượng/phiên, nhưng số này không nhiều. Chốt tuần giá vàng SJC cũng quay lại mức mở cửa đầu tuần.

Giá xăng dầu tăng mạnh

Tại kỳ điều chỉnh này ngày 28/5, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 100 đồng/lít (bằng mức kỳ trước), xăng RON 95 trích lập ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu diesel ở mức 1.100 đồng/lít (kỳ trước 1.400 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít (kỳ trước 1.600 đồng/lít) và dầu mazut trích lập ở mức 200 đồng/kg (kỳ trước 500 đồng/kg).

Đồng thời chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 600 đồng/lít, xăng RON95 400 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng mạnh.

Giá xăng dầu tăng mạnh.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: tăng 882 đồng/lít; Xăng RON95-III: tăng 890 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 892 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 875 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 947 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 12.402 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 13.125 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 10.749 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 8.757 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.492 đồng/kg.

Giá rau củ rớt thê thảm

Ngày 26/5, tại các chợ như Tân Mai (Giải Phóng), chợ Gia Lâm (Long Biên) và một số chợ khác như Ngô Sĩ Liên (Đống Đa), Thành Công B (Ba Đình), Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm)…, sức mua những loại rau của bà nội trợ tăng lên hẳn. Tiểu thương và người mua đều vui mừng ra mặt vì giá rau củ giảm mạnh.

Giá rau củ đồng loạt giảm.

Giá rau củ đồng loạt giảm.

Theo chị Quyên - một người kinh doanh rau của tại chợ Tân Mai (Giải Phóng) cho biết, do rau củ đang vào chính vụ nên khoảng 3 tuần nay giảm giá rất mạnh.

Nhất là 2-3 ngày nay, giá các loại củ giảm giá 3-4 lần so với trước. Trong đó, các loại bầu bí, củ quả như mướp, bầu, lặc lè, bí đao, củ cải… giảm sốc nhất.

Theo ghi nhận của phóng viên, nếu như các loại củ quả này 3 tuần trước người tiêu dùng phải mua với giá 15-20 ngàn đồng/kg thì nay giảm xuống chỉ còn 5.000 đồng/kg.

Cụ thể: đậu cove xanh trước giá 20 ngàn đồng/kg nay giảm còn 10.000 đồng/kg; củ cải 10 ngàn đồng, giờ giảm xuống 5 ngàn đồng/kg; bí đao trước bán 15 ngàn đồng/kg nay giảm xuống 5-7 ngàn đồng/kg; lặc lè, bầu, mướp trước 12-10 ngàn đồng/kg, nay giảm xuống 5 ngàn đồng/kg; dưa chuột từ 15 ngàn đồng, giảm xuống 5 ngàn đồng/kg. Riêng các loại rau mùa hè cũng đang giảm giá sâu. Rau muống đang được bán với giá chỉ 4-3 ngàn đồng/mớ; rau mùng tơi và rau dền giảm chỉ còn 1 ngàn đồng/mớ.

Do giá rau củ giảm mạnh nên tại các chợ, sức mua của người dùng tăng khiến cả người mua và người bán đều hồ hởi: "Trước để mua rau hàng ngày ăn, tiền rau cũng tốn 20-30 ngàn đồng. Giờ mua 10 ngàn rau có thể ăn được cả tuần. Người mua thấy rau củ rẻ nên cũng không hề mặc cả nữa. Bán hàng thời điểm này rất đắt hàng và thoải mái".

Cùng với rau xanh, giá trứng gia cầm cũng tiếp tục giảm ở mức thấp. Bà nội trợ đang được mua trứng gà vịt giá rẻ. Trứng vịt đang được bán với giá 23-25 ngàn đồng/10 quả. Trứng gà được bán với giá 27 ngàn đồng/10 quả. Trứng gà ri, gà so được bán 30 ngàn đồng/10 quả.

Những mặt hàng khác như thịt gà, thịt bò, tôm, cá tiếp tục vững giá như những ngày qua.

Chị Trần Thanh Hương, một người dân ở Giải Phóng cho biết: "Hôm nay đi chợ mua rau và trứng, thấy giá giảm nhiều mà người mua như tôi vui quá. Tôi mua 1 kg mướp chỉ 5 ngàn đồng, 1 kg củ cải cũng chỉ 1 ngàn đồng. Mua 5 mớ rau dền và rau mùng tơi chỉ hết 10 ngàn đồng. Như vậy chỉ 20 ngàn đồng là nhà tôi có rau ăn cả tuần".

Theo nhận định của nhiều tiểu thương bán rau xanh dự báo, giá rau xanh sẽ tiếp tục giảm sâu trong tuần tới: "Rau vụ hè đã cho thu hoạch rộ, lại được thời tiết mưa nắng cao nhiều độ ẩm nên rau xanh tăng trưởng rất tốt. Nơi nào cũng đang thu hoạch rau củ nhiều".

Giá cua liên tục tăng

Hiện nay, cua gạch son có giá từ 420.000 - 450.000 đồng/kg, tăng gần 100.000 đồng/kg, cua y có giá từ 270.000 - 300.000 đồng/kg, tăng 50.000 đồng/kg, cua tứ có giá từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg, tùy theo loại.

Giá cua liên tục tăng.

Giá cua liên tục tăng.

Ông Nguyễn Trung Liệt, 59 tuổi, ngụ ấp 8, xã Thới Bình, huyện Thới Bình (Cà Mau) cho biết, trước tết Nguyên đán, ông thả nuôi 16.000 con cua giống trên gần 3ha ao nuôi (6.000 con/ha), khoảng 3 tháng đầu cua phát triển rất tốt đạt 6 con/kg, tỷ lệ sống khoảng 80%.

“Nhưng do nắng nóng liên tục đã làm tăng độ mặn, có lúc độ mặn lên trên 50‰, khiến cua nuôi chậm lớn, hiện nay cua đã được hơn 5 tháng nhưng chỉ đạt 4 con/kg, cua cũng thể nào không lột da vì độ mặn quá cao, nếu bán cũng chỉ được giá cua tứ (rẻ hơn khoảng 250.000 đồng/kg so với cua gạch son, hơn 100.000 đồng/kg so với cua y) nên tôi quyết định đợi tới mưa xuống”, ông Liệt cho biết.

Giá ớt giảm mạnh

Thời điểm cuối tháng 5, người dân ở hai huyện Chi Lăng và Lộc Bình (Lạng Sơn) bắt đầu vào vụ thu hoạch ớt.

Nếu như năm ngoái, giá ớt dao động từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 20.000 đồng/kg đối với ớt loại 1 (ớt xuất khẩu), còn loại 2 chỉ khoảng 7.000 đồng/kg.

Với mức giá như trên, trừ các loại chi phí mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công chăm sóc, thu hái… người trồng ớt không những không có lãi mà còn có khả năng lỗ nặng.

Giá ớt giảm mạnh.

Giá ớt giảm mạnh.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Lạng Sơn, năm 2020, diện tích gieo trồng ớt toàn tỉnh là 1.389 ha, tăng gần gấp đôi so năm 2019, cao nhất từ trước đến nay. Riêng huyện Chi Lăng có diện tích trồng ớt là 826 ha, tăng 326 ha so với năm 2019, huyện Lộc Bình 298 ha, tăng trên 100 ha. Tuy nhiên, mới đầu vụ thu hoạch, giá ớt có lúc chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái khiến người trồng ớt lo lắng.

Một người dân trồng ớt ở thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) cho hay năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, đầu năm xảy ra mưa lớn, mưa thường xuyên ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây ớt. Các chi phí chăm sóc, phòng bệnh, ngăn ngừa ngập úng… cho cây ớt vì thế cũng tăng theo. Chi phí sản xuất tăng trong khi giá ớt lại giảm khiến người trồng ngao ngán.

Dù vậy, người này nhận định giá ớt tuy lên xuống thất thường nhưng cây ớt chỉ trồng trong ba tháng đã cho thu hoạch, hết vụ ớt lại cấy thêm được một vụ lúa hè thu. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cây ớt vẫn là cây cho giá trị sản xuất cao hơn so với các cây trồng khác.

Theo các thương lái chuyên thu mua ớt xuất khẩu, giá ớt thời gian qua liên tục giảm, thậm chí sáng một giá, chiều đã một giá khác. Giá ớt đầu vụ là 28.000 đồng/kg nay giảm còn 8.000 đồng/kg. Trong khi cùng thời điểm năm ngoái, giá ớt có lúc lên tới 100.000 đồng/kg.

Các thương lái cho rằng ớt tươi chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc. Năm nay, diện tích trồng ớt tăng cao, sản lượng dồi dào. Tuy nhiên, do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ sau Tết Canh Tý đến nay, phía Trung Quốc ngừng mua hoặc thu mua hạn chế, trong khi nhu cầu thị trường nội địa không nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá ớt giảm mạnh khiến cả người trồng và người thu mua đều gặp khó khăn.

Theo TIÊU DÙNG
Nguồn: https://tieudung.vn/thi-truong/tieu-dung-trong-tuan:-gia-vang-xang-dau-va-cua-tang-manh-trong-khi-rau-xanh-rot-gia-the-tham-41690.html
...