TIÊU DÙNG

Thuế nhập khẩu thịt heo về 0%, giá heo trong nước khó có cơ hội làm giá

26/03/2020 - 07:26

Theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thuế nhập khẩu thịt heo từ châu Âu về 0% sau 7 năm. Lúc đó, các nhà nhập khẩu sẽ tăng nhập, giá heo hơi trong nước khó có cơ hội làm giá.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về giải pháp bình ổn giá thịt heo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, giá thịt heo theo cơ chế thị trường, có vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó có chống đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Giao nhiệm vụ cho các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông (Bộ NN-PTNN), Bộ Công Thương, cơ quan quản lý nhà nước về giá, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt heo xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt heo hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.

Song, bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, giá thịt heo hơi xuất chuồng dịp này vẫn cố thủ ở mức cao.

Cụ thể, tại một số tỉnh ở miền Bắc như Hưng Yên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,... giá heo hơi dao động quanh mốc 80.000-83.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá neo ở mức 85.000 đồng/kg.

Tương tự, tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, giá heo hơi ổn định ở mức 78.000-82.000 đồng/kg, chỉ số ít địa phương giá thịt heo có xu hướng giảm nhẹ.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, thời điểm này giá thịt heo vẫn đang dao động từ 140 - 180 nghìn đồng/kg, có nơi thậm chí đang ở mức giá 200 nghìn đồng/kg. Tại các chợ truyền thống như Định Công, Hoàng Mai, giá thịt mông sấn đang được bán với giá 150 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ, bắp giò có giá 160 nghìn đồng/kg; sườn non, nạc vai có giá 180 nghìn đồng/kg. Tại một số chợ ở quận Long Biên, thịt mông sấn, nạc vai có mức giá thấp hơn khoảng 140 nghìn đồng/kg.

Thuế nhập khẩu thịt heo về 0%, giá heo trong nước khó có cơ hội làm giá?

Thuế nhập khẩu thịt heo về 0%, giá heo trong nước khó có cơ hội làm giá?

Theo ông Đoàn Ngọc Thơ - nhà nhập khẩu thịt các loại tại TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang chậm lại hẳn do ảnh hưởng từ dịch cúm Covid-19 lẽ ra phải đẩy giá heo hơi giảm mới đúng. Kể cả xuống 60.000 - 70.000 đồng/kg thì nhà chăn nuôi vẫn quá lãi. Việc bán ngang bằng giá cận tết là không hợp lý.

“Dịch cúm Covid-19 kéo dài, nhà kinh doanh cần chia sẻ, đồng hành với người tiêu dùng để đến khi giá thịt heo tăng, người tiêu dùng không quay lưng với mình”, ông Thơ nêu quan điểm và cảnh báo, Chính phủ có nói không giảm giá sẽ nhập thịt heo đông lạnh bù cho thị trường.

Nếu tăng nhập, chăn nuôi trong nước phải gồng lên cạnh tranh vất vả bởi giá thịt nhập luôn rẻ hơn giá thịt trong nước rất nhiều. “Một lúc nào đó, chính sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu giúp điều tiết giá thịt heo trong nước về đúng giá trị thực của nó. Quan trọng là người dân phải bảo đảm ăn được sản phẩm thịt sạch, nguồn gốc rõ ràng với giá hợp lý. Sắp tới, thuế nhập khẩu thịt heo từ châu Âu về 0%, các nhà nhập khẩu sẽ tăng nhập, lúc đó, giá heo hơi trong nước khó có cơ hội làm giá nữa”, ông Thơ nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phân tích: “Trong kinh doanh phải tính giá mua, trong sản xuất tính giá thành. Giá thành sản xuất heo trong nước hiện rất rõ ràng, vậy làm phép tính đơn giản, cộng thêm các chi phí thị trường, lợi nhuận, giá heo hơi cao gấp đôi giá thành sản xuất là không thể chấp nhận được. Tôi không đồng ý hoặc thấy chưa cần thiết đưa giá thịt vào quản lý theo kiểu bình ổn, kiểm soát giá… nhưng biện pháp kinh tế là quản lý dựa trên giá thành và giá bán ra, đánh vào thuế, chắc chắn các nhà sản xuất không tự tung tự tác được”.

TS Ngô Trí Long ủng hộ giải pháp: “Việc cho nhập khẩu mạnh và gấp thịt heo đông lạnh có nguồn gốc tốt là điều cần thiết cho thị trường. Đẩy mạnh yếu tố cạnh tranh, không “nâng đỡ” bằng việc hạn chế nhập khẩu để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước”.

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam cũng nhập khẩu gần 66.000 tấn thịt ác loại, phần lớn là thịt gia cầm và thịt heo, thịt trâu bò. 

Đáng lưu ý, trong khi nhập khẩu thịt gia cầm giảm, nhập khẩu thịt heo lại tăng mạnh, với trên 13.800 tấn, tăng 150% với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam chủ yếu nhập thịt lợn từ Canada, Đức, Brazil, Ba Lan và Mỹ. 

Ngoài ra, hai tháng đầu năm, Việt Nam cũng tăng nhập thịt trâu bò, trong đó gần 12.500 tấn thịt bò từ Mỹ, Úc, Canada và gần 13.000 tấn thị trâu từ Ấn Độ.

Theo TIÊU DÙNG
Nguồn: https://tieudung.vn/thi-truong/thue-nhap-khau-thit-heo-ve-0-gia-heo-trong-nuoc-kho-co-co-hoi-lam-gia-40177.html
...