SỐNG KHỎE

Sốt xuất huyết vào mùa, không chủ quan khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi

29/05/2020 - 15:52

Người mắc sốt xuất huyết có thể bị cô đặc máu, tụt huyết áp và thậm chí là dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, thời gian đầu, các triệu chứng lâm sàng của bệnh lại giống với các bệnh sốt virus thông thường.

Sốt xuất huyết vào mùa, không chủ quan khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi

Hơn 26 nghìn  ca mắc nhưng dịch sốt xuất huyết vẫn chưa đạt đỉnh

Sốt xuất huyết dengue là một loại bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra, được phát tán thông qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm tại Việt Nam. Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng trên 100.000 trường hợp mắc. Năm 2019 con số này là 320.331 ca bệnh (cao nhất trong 32 năm trở lại đây), 53 trường hợp tử vong.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố; 3 ca tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.

 TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

 TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia, TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dịch sốt xuất huyết vẫn chưa đạt đỉnh và có thể sẽ bùng phát mạnh hơn trong vài tháng tới: "Vector truyền bệnh của sốt xuất huyết là muỗi vằn. Vì vậy, quy mô và diễn biến của dịch bệnh phụ thuộc vào muỗi. Dựa theo diễn biến dịch hàng năm, dịch sốt xuất huyết sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 7 và kéo dài đến tháng 11, 12".

Không nên chủ quan khi có dấu hiệu sốt, mệt mỏi

Người mắc sốt xuất huyết có thể bị xuất huyết, cô đặc máu, tụt huyết áp và thậm chí là dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, thời gian đầu, các triệu chứng lâm sàng của bệnh lại giống với các bệnh sốt virus thông thường, nên có một thực trạng là nhiều người dân có tâm lý chủ quan tự mua thuốc hạ sốt về điều trị tại nhà. đến khi bệnh diễn tiến nặng mới vào viện dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, đồng thời khiến sức khỏe và thậm chí là tính mạng gặp nguy hiểm.

 

 

Về vấn đề đáng quan ngại này, TS.BS Kim Thư khuyến cáo, trong mùa dịch sốt xuất huyết như hiện nay, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau hốc mắt..., tốt nhất người dân nên đến các cơ sở y tế để khám sàng lọc sốt xuất huyết, bởi các triệu chứng nặng như cô đặc máu, xuất huyết, tụt huyết áp thường chỉ xuất hiện vào ngày thứ 4, thứ 5 sau khi mắc bệnh, và đến giai đoạn này bệnh nhân có thể bị đe dọa đến tính mạng.

Những đối tượng cần đặc biệt cảnh giác trong mùa dịch sốt xuất huyết

Theo TS. BS Nguyễn Kim Thư, trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai thì càng cần phải nâng cao cảnh giác trong mùa dịch sốt xuất huyết, bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi căn bệnh này. "Bệnh sốt xuất huyết gây giảm thể tích tuần hoàn nên trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm.

 Phụ nữ đang mang thai, trẻ em là các đối tượng rủi ro cao với sốt xuất huyết

 Phụ nữ đang mang thai, trẻ em là các đối tượng rủi ro cao với sốt xuất huyết

Trong khi đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh về gan, thận... đều là những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn nếu mắc phải. Với phụ nữ mang thai, dù chưa ghi nhận trường hợp virus dengue gây nên dị tật thai nhi, nhưng theo kết quả chúng tôi tổng kết, thì việc nhiễm virus này có thể dẫn đến trường hợp sảy thai. Cả 3 trường hợp nhạy cảm này khi nhập viện đều được các bác sĩ theo dõi rất sát tình hình sức khỏe".

 

 

Bên cạnh đó, TS.BS Kim Thư cũng khuyến cáo, những người đã từng mắc sốt xuất huyết cũng không được chủ quan, khi xuất hiện các triệu chứng kể trên, bởi có đến 4 loại virus dengue gây sốt xuất huyết. Vì vậy, dù cơ thể có hình thành miễn dịch với 1 chủng từ lần mắc bệnh trước thì hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của 3 chủng còn lại.

Để phòng sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất quan trọng để phòng chống dịch:

- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Theo BÁO DÂN TRÍ
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/sot-xuat-huyet-vao-mua-khong-chu-quan-khi-co-dau-hieu-sot-met-moi-20200528124348755.htm
...