SỐNG KHỎE

Nga sắp có thuốc chữa COVID-19, Trung Quốc xây nhà máy vaccine

01/06/2020 - 06:00

Nga sẽ phát thuốc COVID-19 vào đầu tháng 6, Mỹ thử nghiệm cùng lúc 6 loại vaccine trên 100.000 người.

Báo Izvestiya trích dẫn Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, các nhà khoa học Nga sẽ bắt đầu thực hiện các thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vaccine phòng COVID-19. Giới chức nước này cũng phê chuẩn loại thuốc đầu tiên nhằm điều trị căn bệnh này.

 Nga sẽ phát thuốc COVID-19 vào ngày 11/6. Ảnh minh họa: TASS

 Nga sẽ phát thuốc COVID-19 vào ngày 11/6. Ảnh minh họa: TASS

Bộ Y tế nước này đã cấp phép cho thuốc Avifavir để điều trị bệnh COVID-19. Nó được phát triển dựa trên cơ sở một loại thuốc có tên là Favipiravir.

RDIF cho hay, Avifavir đã chứng minh hiệu quả cao trong việc điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 trong giai đoạn đầu tiên của các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm này đang được tiến hành, với sự tham gia của 330 bệnh nhân.

Trong khi đó, Nga cũng sắp tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vaccine COVID-19.

“Các thử nghiệm đang được tiến hành và chúng tôi dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trong 2 tuần nữa” – hãng tin TASS ngày 30/5 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko. Ông Murashko nói thêm rằng các tình nguyện viên đã được lựa chọn để tham gia cuộc thử nghiệm.

Giới chức Nga cho biết các nhà nghiên cứu nước này hiện đang tham gia gần 50 dự án vaccine khác nhau.

Các hãng chế tạo dược phẩm khắp thế giới cũng đang khẩn trương để nghiên cứu các phương pháp điều trị và các loại vaccine để phòng căn bệnh đến nay đã khiến hơn 370.000 người thiệt mạng.

Tại Trung Quốc, 5 loại vaccine COVID-19 đang được phát triển cùng lúc. Trong lúc này, Bắc Kinh cũng gấp rút cho xây các cơ sở đạt chuẩn an toàn sinh học để chuẩn bị cho sản xuất. Các cơ sở sẽ xếp hạng an toàn sinh học độ ba, bởi vì nCoV có khả năng gây bệnh cao và cần môi trường an toàn để sử dụng.

Bốn trong số năm ứng cử viên là vaccine bất hoạt – kỹ thuật kích thích phản ứng của hệ miễn dịch tiêu diệt virus. Kỹ thuật này đòi hỏi cơ sở sản xuất đạt mức an toàn cao. Ứng viên còn lại không dùng virus sống để sản xuất, yêu cầu mức độ an toàn sinh học thấp hơn.

Các thử nghiệm vaccine giai đoạn hai sẽ kết thúc vào tháng 7, nhưng vẫn còn một dấu hỏi lớn về các thử nghiệm ở giai đoạn ba – vốn sẽ cần hàng nghìn tình nguyện viên – bởi vì không có đủ các ca bệnh mới để thử nghiệm.

Ở Anh, Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) mới đây thông báo cho biết sẽ sản xuất 1 tỉ liều tá dược phục vụ bào chế vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021.

Tá dược để bào chế vaccine là một loại thuốc tăng cường giúp bất cứ loại vaccine ngừa COVID-19 nào cũng trở nên mạnh hơn, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, ngừa nhiễm virus.

Theo GSK, họ sẽ cung cấp công nghệ tá dược để bào chế vaccine cho các đối tác đang phát triển các ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng. Việc cung cấp tá dược có sẵn “cho các nước nghèo nhất thế giới” chính là chìa khóa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cũng đang nỗ lực để rút ngắn cuộc chạy đua vaccine COVID-19 với các nước khác trên thế giới.

Chính phủ Mỹ lên kế hoạch thử nghiệm 6 loại vaccine Covid-19 tiềm năng trên hơn 100.000 tình nguyện viên, kỳ vọng ra mắt vào cuối năm nay.

Dự án sẽ rút ngắn quá trình phát triển vaccine vốn kéo dài nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ xuống còn vài tháng. Tất cả nhằm ngăn chặn Covid-19 đã lây nhiễm hơn 5 triệu người, giết chết khoảng 335.000 bệnh nhân. Để đạt được điều này, các nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đã đồng ý chia sẻ dữ liệu, trao đổi thông tin với cả những đối thủ trực tiếp.

Các “ứng viên” đủ an toàn và hiệu quả trong nghiên cứu sơ bộ sẽ được thử nghiệm trên quy mô lớn hơn, với sự tham gia của 20.000 đến 30.000 tình nguyện viên, dự kiến bắt đầu vào tháng 7.

“Nếu không phát hiện các vấn đề, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu” – Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia (NIH) cho biết.

Nỗ lực điều chế vaccine là một phần trong “Chiến dịch Thần tốc” của Nhà Trắng, được công bố tuần trước để đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine chống lại virus SARS-Cov-2.

Trong giai đoạn một, các nhà khoa học thử nghiệm độ an toàn của vaccine trên nhóm nhỏ các tình nguyện viên khỏe mạnh. Nếu kết quả khả quan, họ tiến hành nghiên cứu quy mô lớn hơn, tìm ra liều lượng phù hợp. Giai đoạn cuối có sự tham gia của hàng nghìn người. Sau đó, hãng dược cần chứng minh năng lực sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ vaccine cho hàng triệu người dùng.

Tiến sĩ Collins cho biết, tuy nhiên giữa đại dịch, các bước sẽ chồng chéo lên nhau, đặc biệt ở giai đoạn giữa và cuối.

Cách làm này có những rủi ro nhất định, bởi một số phản ứng phụ chỉ được phát hiện trong thử nghiệm quy mô lớn. Người Mỹ cũng lo ngại về tốc độ gấp rút của các thử nghiệm vaccine.

Để có câu trả lời sớm nhất, vaccine tại Mỹ sẽ được thử nghiệm trên nhân viên y tế và cụm dịch, nơi virus vẫn lây lan mạnh để theo dõi liệu chúng có giúp giảm các ca nhiễm mới hay không. Thành phố Washington được coi là địa điểm hợp lý bởi dịch bệnh tại đây chưa đạt đỉnh. Các nghiên cứu cũng có thể thực hiện tại lục địa khác, bao gồm châu Phi, khu vực virus mới bắt đầu lây lan.

Theo Theo Báo đất Việt
Nguồn: https://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/nga-sap-co-thuoc-chua-covid-19-trung-quoc-xay-nha-may-vaccine-3403991/
...