GIA ĐÌNH

Bác sĩ Nhi cảnh báo chứng bệnh thường xuyên gặp ở trẻ khi trời nắng nóng, cha mẹ cần chú ý

20/05/2019 - 15:30

Thời tiết nắng nóng trong cả nước dễ khiến trẻ mắc các chứng bệnh rôm sảy. Rôm sảy mọc nhiều có thể khiến con khó chịu, bỏ bú, bỏ ăn. Cha mẹ cần biết cách chăm sóc và xử trí khi con gặp phải hiện tượng này.

“Chiến đấu” với rôm sảy

Thời tiết nắng nóng trong cả nước khiến người lớn và trẻ em đều cảm thấy khó chịu. Việc chăm sóc trẻ trong thời điểm này cha mẹ cũng cần đặc biệt quan tâm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết vào mùa nắng nóng, trẻ em có nguy cơ mắc rôm sảy khá cao.

Hiện tượng này gây ra do quá trình đổ mồ hôi nhiều chưa kịp thấm hút khỏi da làm tắc tuyến mồ hôi. Thời tiết càng nóng, độ ẩm càng cao, trẻ càng dễ bị rôm sảy.

bac-si-nhi-canh-bao-chung-benh-thuong-xuyen-gap-o-tre-khi-troi-nang-nong2-2019-05-20-11-40

Nguy cơ rôm rảy ở trẻ tăng cao trong mùa nắng nóng, đặc biệt ở những trẻ thừa cân - Ảnh minh họa: Internet

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, rôm sảy mọc nhiều có thể làm trẻ khó chịu, khó ngủ, khó ăn.

Trường hợp rôm sảy mọc quá nhiều có thể gây mụn mủ. Những trẻ thừa cân, xuất hiện nhiều vùng nếp gấp trên da càng rất dễ bị rôm sảy. Trẻ hay đổ mồ hôi, mồ hôi đọng càng lâu trên cơ thể càng dễ tạo điều kiện cho rôm sảy phát triển.

Cách phòng và xử trí khi trẻ bị rôm sảy

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ: “Khi trẻ mắc chứng rôm sảy, cha mẹ có thể cho con bôi thuốc nabica 500mg (1 viên) với 10ml nước sạch hoặc sử dụng natribicarbonate gói 5g tương đương 10 viên”.

Các thuốc bôi hay kem nguy cơ làm nghẹt lỗ chân lông có thể khiến trẻ nổi rôm sảy nhiều hơn. Thông thường, có trẻ sẽ thích hợp với loại thuốc này, có bé sẽ phản ứng tốt với loại thuốc khác.

bac-si-nhi-canh-bao-chung-benh-thuong-xuyen-gap-o-tre-khi-troi-nang-nong3-2019-05-20-11-40

Cha mẹ đừng quên cho trẻ mặc trang phục thoáng mát, thấm hút mồ hôi khi trời nắng nóng - Ảnh minh họa: Internet

Để phòng ngừa rôm sảy cho trẻ trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên các bậc cha mẹ nên cho trẻ mặc đồ vải thoáng mát, tính hút ẩm cao.

Khi cơ thể trẻ đổ mồ hôi, cha mẹ nên dùng khăn mềm lau sạch mồ hôi cho bé. Không nên để các vùng da trên cơ thể con bị ẩm quá lâu. Các gia đình có điều hòa nên cho con nằm thường xuyên, điều chỉnh ở nhiệt độ từ 25 – 27 độ C là phù hợp.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý việc tắm cho trẻ khi mùa nóng để cơ thể con cảm thấy thoải mái. Theo bác sĩ Khanh, cha mẹ nên tắm nước ấm cho con đến khi bé được 5 tuổi.

Thời gian tắm cho bé không nên quá lâu, không tắm quá nhiều lần trong ngày. Trẻ sơ sinh có thể cho tắm cách từ 1 - 2 ngày. Thời điểm tắm thích hợp vào khoảng 9 - 10 giờ sáng hoặc 16 - 17 giờ chiều.

Sau khi tắm, cha mẹ dùng khăn bông mềm lau sạch cơ thể con, không để da bị ẩm ướt, tránh tạo điều kiện cho rôm sảy sinh sôi. 

Theo Phụ Nữ Sức Khỏe - Báo Gia Đình Việt Nam
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/bac-si-nhi-canh-bao-chung-benh-thuong-xuyen-gap-o-tre-khi-troi-nang-nong-cha-me-can-chu-y-c22a317439.html
...