SỐNG KHỎE

Phương pháp thở bụng chống lão hóa và trị bệnh

06/06/2020 - 07:26

Theo quan niệm của khí công Trung Quốc, thở ngực không trường thọ và không chống đỡ được bệnh tật, lão hóa vì thở cạn quá, do đó, phải thở bụng.

Thở ngực là thở tự nhiên của một người bình thường, mục đích trao đổi oxy và thải CO2 và chỉ có cơ ngực hoạt động mà thôi. Theo quan niệm của khí công Trung Quốc, thở kiểu này không trường thọ và không chống đỡ được bệnh tật, lão hóa vì thở cạn quá, do đó, phải thở bụng. 

Thở bụng khí công có nhiều cách, nhưng thông dụng và đơn giản nhất là thở sổ tức 1 - 1: Hít vào phình bụng thuộc dương (kích thích trực giao cảm) và thở ra hóp bụng lại thuộc âm (kích thích hệ đối giao cảm), thời gian hai kỳ thở phải bằng nhau để cân bằng âm dương. 

Nhịp thở phải chậm, sâu, nhẹ, dài. Khi hít vào phình bụng, cơ hoành hạ xuống làm cho các cơ quan trong bụng bị đẩy xuống; Khi thở ra hóp bụng tối đa, cơ hoành nâng lên, các cơ quan bị kéo lên. Hoạt động đó đã massage liên tục đều đặn và nhẹ nhàng những cơ quan bên trong như ruột, gan, dạ dày, lá lách... làm điều hòa các nội tạng, nhất là cơ quan tiêu hóa, hệ thần kinh thực vật... nhờ đó, thể chữa được bệnh mất ngủ, huyết áp, chóng mặt, rối loạn thần kinh thực vật, điều hòa khí huyết, rối loạn thần kinh tim, phục hồi được nguyên khí cho cơ thể một khí quá mệt do bị tiêu hao khí lực...  

Thở bụng khí công có nhiều cách, nhưng thông dụng và đơn giản nhất là thở sổ tức 1 - 1.  ảnh minh họa

Thở bụng khí công có nhiều cách, nhưng thông dụng và đơn giản nhất là thở sổ tức 1 - 1.  ảnh minh họa

Kỹ thuật thở: Đứng hoặc ngồi trên ghế hoặc ngồi xếp bằng đều được. Hai tay chồng lên nhau trước đan điền (là một huyệt ở bụng dưới, cách rốn khoảng 3 - 4cm), nam đặt tay trái trong, nữ đặt tay phải trong. Lưỡi đặt trên vòm họng, sát chân răng để nối thông vòng nhâm đốc. Bắt đầu tập trung tư tưởng, mắt mở hay nhắm cũng được, thả lỏng thư giãn toàn bộ cơ thể. Hít vào bụng dưới phình to ra, khí từ huyệt thừa tương (huyệt ở chỗ lõm dưới môi dưới) xuống đan điền và hội âm (huyệt sát hậu môn). 

Khi mới học không nên cưỡng ép quá và không cần cố gắng phình to lắm mà chỉ phình ra chút xíu là được, từ từ lâu ngày sẽ đạt. Hơi thở cần chậm, nhẹ, sâu, dài, không nín hơi. Khi đã hít vào tối đa, từ từ thở ra cũng chậm sâu dài, 2 tay ép vào bụng dưới càng sâu càng tốt, hậu môn nhíu lại một chút để khỏi bị thoát khí. Khí qua huyệt trường cường và đi lên dọc theo mạch đốc đến huyệt bách hội giữa đỉnh đầu, xuống huyệt ngân giao (vòm họng trên). Khi thở ra hết rồi thì bắt đầu hít vào trở lại không nín hơi, hậu môn không nhíu nữa. Nên nhớ thời gian hít và thở bằng nhau.    

Theo BS.VS Nguyễn Văn Thắng (Chưởng môn phái Thăng Long võ đạo)/Kiến thức
Nguồn:
...