SỐNG KHỎE

Những sai lầm khiến mỗi bữa ăn của con là một “trận chiến”

27/09/2020 - 08:00

Những sai lầm của người lớn khi cho trẻ ăn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ, kéo theo các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, trí tuệ.

Những bữa ăn dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, tình trạng trẻ biếng ăn lại rất phổ biến tại Việt Nam, khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ biếng ăn trong độ tuổi từ 1- 6 là trên 38%, trung bình cứ 2-3 trẻ có 1 trẻ biếng ăn.

Một số hình thức “ép con ăn” phổ biến là dụ dỗ bằng đồ chơi, điện thoại rồi chuyển sang dọa nạt hoặc thậm chí bóp miệng đút trẻ ăn. Những hành động này của người lớn chủ yếu nhằm giải tỏa tâm lý lo lắng, khó chịu của cha mẹ chứ không thực sự cải thiện được vấn đề ăn uống và dinh dưỡng của trẻ về lâu dài. Hậu quả nghiêm trọng hơn là trẻ sẽ dần ghét và sợ việc ăn uống. Vậy là cha mẹ đã vô tình ngày qua ngày tạo nên phản xạ tiêu cực đối với việc ăn uống ở trẻ - sợ hãi, từ chối và phản kháng.

Video “Ép con ăn” của Chương trình giáo dục “Sinh Con, Sinh Cha" do Generali và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam thực hiện

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ trở nên “biếng ăn tâm lý” xuất phát từ những sai lầm của cha mẹ. Cùng Sinh Con, Sinh Cha điểm lại những sai lầm này và kịp thời khắc phục.

Cho trẻ xem tivi, điện thoại, pha trò giúp trẻ ăn tốt hơn

Phương pháp này sẽ làm trẻ mất tập trung, xao nhãng bữa ăn. Trẻ đưa thức ăn vào miệng chỉ do người lớn “lừa đút” và do trẻ muốn chơi nên ăn như một điều kiện. Điều này ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn khiến trẻ ăn không ngon miệng, dinh dưỡng không được hấp thu tốt. Hãy tắt các thiết bị điện tử và hạn chế tối đa các hoạt động giải trí để trẻ tập trung vào việc ăn. Hình thành nếp ăn lành mạnh giúp trẻ có được thói quen ăn uống tốt, theo nhu cầu, mà không cần dụ dỗ.

Cha mẹ đút sẽ giúp trẻ ăn được nhiều và nhanh hơn

Cha mẹ đã tước mất cơ hội phát triển trí thông minh và sự khéo léo của đôi bàn tay con. Trẻ được vận động bàn tay đồng nghĩa với việc các nơ-ron thần kinh trong não kết nối với nhau nhiều hơn. Việc tập cầm nắm đồ ăn, bốc nhón và cảm nhận thức ăn mềm, cứng, dai… các vị thức ăn chua, ngọt, mặn… ở dạng thô phù hợp lứa tuổi, không nghiền nhuyễn đặc biệt hữu ích với sự phát triển nhận biết cũng như trí thông minh của trẻ. Trẻ không được học tự xúc ăn đồng nghĩa cha mẹ đã không cho con học tính tự lập và kỹ năng khi ăn, điều mà những trẻ phát triển bình thường thì lên 2 tuổi đã có thể làm tốt. Trẻ hay được đút ăn sẽ có xu hướng ỉ lại, thụ động.

 Hãy sớm tập cho trẻ ăn độc lập thay vì luôn đút ăn cho trẻ

 Hãy sớm tập cho trẻ ăn độc lập thay vì luôn đút ăn cho trẻ

Cho trẻ ăn khác bữa với gia đình

Nhiều gia đình thường cho trẻ ăn khác giờ, khác bữa với người lớn, điều này có thể đúng khi trẻ còn nhỏ, sơ sinh, nhưng khi trẻ đã chuyển sang ăn thô, ăn dặm hãy tập cho trẻ ngồi ăn cùng bữa với gia đình. Điều này giúp tăng cường gắn kết, giúp trẻ cảm thấy mình được đối xử bình đẳng, trẻ cũng sẽ nhận thức sớm về những bữa cơm gia đình, học tập người lớn các kỹ năng xúc, gắp, hình thành thái độ và cách cư xử đúng mực khi ăn.

 Ăn cùng gia đình giúp trẻ học các kỹ năng và cách cư xử khi ăn

 Ăn cùng gia đình giúp trẻ học các kỹ năng và cách cư xử khi ăn

Kéo dài thời gian ăn để trẻ ăn nhiều hơn

“Sinh Con, Sinh Cha” khuyến nghị thời gian ăn của trẻ chỉ nên kéo dài 30 phút, dù trẻ ăn nhiều hay ít. Nếu quá thời gian này, cha mẹ không nên cố ép trẻ ăn thêm nữa. Thời gian ăn kéo dài sẽ làm thức ăn nguội, mất dưỡng chất, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của cả trẻ và người lớn. Bữa ăn kéo dài khiến thời gian tới bữa sau quá ngắn, trẻ còn chưa kịp cảm thấy đói. Vòng luẩn quẩn này khiến trẻ ngày càng không hứng thú ăn.

Lơ là khẩu vị, sở thích của trẻ

Cha mẹ hãy trang bị những kiến thức về các giai đoạn phát triển thể chất, tâm sinh lý của con qua các độ tuổi khác nhau. Trẻ nhỏ có nhiều chồi vị giác hơn người lớn, cha mẹ hãy chú ý nêm nếm thật nhạt rồi tăng dần theo khẩu vị của trẻ.

Cho trẻ quyền lựa chọn món, khuyến khích trẻ tham gia vào việc chuẩn bị đồ ăn và khen ngợi khi trẻ làm tốt. Chỉ cho trẻ ăn khi trẻ đói. Hãy hỏi trẻ đã đói chưa và nếu trẻ vẫn chưa đói, hãy cùng trẻ vận động, vui chơi, hạn chế cho trẻ ăn vặt, ăn đồ ngọt trước bữa ăn. Điều này kích thích cảm giác thèm ăn ở trẻ.

Hiểu rõ về chứng biếng ăn

Có 3 dạng biếng ăn ở trẻ: sinh lý, tâm lý và bệnh lý. Biếng ăn sinh lý xảy ra khi có những sự biến đổi phát triển về thể chất như giai đoạn biết bò, ăn dặm, mọc răng, tập đi… Giai đoạn này diễn ra chóng vánh, khoảng 7-15 ngày trẻ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Biếng ăn bệnh lý xảy ra khi cơ thể trẻ mắc các chứng bệnh khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng và thường được khắc phục khi trẻ khỏi bệnh.

Một dạng biếng ăn thường gặp nữa ở trẻ là biếng ăn tâm lý, hệ quả của việc phụ huynh thường xuyên quát mắng, ép trẻ ăn, tạo ra những cảm xúc và phản xạ tiêu cực về việc ăn cho trẻ. Não bộ trẻ tự động ức chế dạ dày tiêu hóa, khiến trẻ ăn không cảm thấy ngon, dinh dưỡng lại không được hấp thụ.

Những em bé phát triển bình thường sẽ luôn ăn uống theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, nếu bữa này trẻ ăn ít, bữa sau trẻ sẽ tự điều chỉnh ăn nhiều hơn, quan trọng là cha mẹ hãy tin vào bản năng này của trẻ mà đừng sốt ruột ép uổng con ngay từ đầu. Một bữa ăn được nhiều không quan trọng bằng một nếp ăn lành mạnh lâu dài. Cha mẹ hãy giúp tạo cho trẻ thói quen ăn uống tập trung, tự lập, vui vẻ, theo nhu cầu và nỗ lực duy trì thói quen ấy.

Đối với những trẻ quá nhẹ cân, thấp bé, không có nhu cầu ăn uống gì ngay cả khi vận động đủ hay không bị ép ăn, sợ ăn, thì phụ huynh nên tìm đến chuyên gia dinh dưỡng và cho trẻ đi kiểm tra tại các bệnh viện, cơ sở y tế.

Theo BÁO DÂN TRÍ
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-sai-lam-khien-moi-bua-an-cua-con-la-mot-tran-chien-20200925091424765.htm
...