SỐNG KHỎE

Người trung niên nên làm gì?

29/11/2019 - 19:00

Tiết trời trở lạnh và độ ẩm tăng cao chính là nguyên nhân khiến các bệnh lý xương khớp tái phát. Đặc biệt, chứng đau xương khớp khi trời lạnh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của những người ở lứa tuổi trung niên, người cao tuổi. Vậy, khi trời trở lạnh cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

Đau xương khớp khi trời lạnh thường gặp ở người lớn tuổi

Theo nghiên cứu thống kê, nhóm tuổi được xác định có tỉ lệ mắc bệnh khớp nhiều nhất là tuổi sau tuổi 40. Tại Việt Nam, nhóm bệnh viêm khớp chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh lý của con người, cao hơn cả tim mạch và ung thư.

 Nhóm tuổi được xác định có tỉ lệ mắc bệnh khớp nhiều nhất là tuổi sau tuổi 40 - Ảnh minh họa: Internet

 Nhóm tuổi được xác định có tỉ lệ mắc bệnh khớp nhiều nhất là tuổi sau tuổi 40 - Ảnh minh họa: Internet

Đặc biệt, bệnh thoái hóa khớp chiếm đến 50% trong nhóm bệnh viêm khớp. Ở nước ta, tỉ lệ người thoái hóa khớp trên 35 tuổi là 30%, trên 65 tuổi là 60% và trên 80 tuổi thì tỉ lệ này lên đến 85%.

Kết quả của một cuộc thăm dò đối với 1.000 người cao tuổi vào mùa lạnh cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có đến 8 người trả lời rằng: Thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt làm các khớp xương của họ bị đau nhức. Với tỉ lệ này, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh khớp thuộc hàng cao của khu vực và trên thế giới.

Khi thời tiết trở lạnh, không khí lạnh sẽ thâm nhập qua lỗ chân lông, “thấm” qua da thịt, khiến các mạch máu bị co lại. Lúc này sự lưu thông máu đến các khớp rất kém, các khớp bị thiếu máu nên dễ tái phát các bệnh về khớp như viêm khớp, thoái hoá khớp… khiến người bệnh có biểu hiện đau xương khớp khi trời lạnh.

 Thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt làm các khớp xương bị đau nhức - Ảnh minh họa: Internet

 Thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt làm các khớp xương bị đau nhức - Ảnh minh họa: Internet

Y học hiện đại còn cho rằng bệnh khớp thường trở nên nghiêm trọng hơn khi trời lạnh là do áp suất khí quyển thấp, các mô nở ra tạo áp lực lên các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân khớp mạn tính, lớp sụn khớp bị bào mòn trơ ra đầu xương lồi lõm, các dây thần kinh cũng trở nên nhạy cảm hơn, cảm nhận được các cơn đau nhức, cứng khớp rõ hơn. Theo các nhà khoa học về di truyền, nguyên nhân được giải thích là do gen và hệ miễn dịch trong cơ thể thay đổi theo mùa.

Cách giảm đau xương khớp khi trời lạnh

Đối với người lớn tuổi mắc bệnh về xương khớp, mỗi khi trái gió trở trời, không khí trở nên lạnh hơn thì nên hạn chế ra đường. Nếu có việc ra đường thì nên giữ ấm toàn thân, đặc biệt là bàn tay, bàn chân. Cần đội mũ, đeo găng tay, đi tất (vớ), quàng khăn ấm cổ, đeo khẩu trang khi ra đường.

 Khi ra đường thì nên giữ ấm toàn thân - Ảnh minh họa: Internet

 Khi ra đường thì nên giữ ấm toàn thân - Ảnh minh họa: Internet

Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm nóng/ấm xung quanh vị trí đau bằng dầu hoặc chườm nóng. Tránh xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp đang bị viêm cấp (có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau). Nên sử dụng lò sưởi, điều hòa nhiệt độ để làm ấm toàn cơ thể.

Tắm nước nóng toàn thân (áp dụng cho các trường hợp viêm nhiều khớp), ngâm, đắp nóng hoặc chườm nóng với ngải cứu và gừng cũng rất hiệu quả.  Nhiệt độ nước từ 30-40 độ C, thời gian tắm từ 15 - 20 phút. Nước nóng có tác dụng giảm đau, tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và giúp người bệnh thực hiện một số cử động chủ động của khớp trong nước.

Chườm nóng với ngải cứu: Rửa sạch lá ngải cứu, cho lẫn muối vào rồi rang nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm dịu cơn đau, khớp bớt sưng hơn.

 Chườm nóng trong 20 phút sẽ làm dịu cơn đau - Ảnh minh họa: Internet

 Chườm nóng trong 20 phút sẽ làm dịu cơn đau - Ảnh minh họa: Internet

Đắp nước nóng bằng túi chườm nóng cũng có tác dụng giảm đau ở một hoặc hai khớp, thời gian đắp tối đa 20 phút. Trường hợp người lớn tuổi có sử dụng đèn hồng ngoại thì nên đặt cách da 60cm, thời gian chiếu tối đa 30 phút. Đèn hồng ngoại hiện nay rất dễ tìm mua tại các cửa hàng chuyên trang thiết bị y tế với giá phải chăng (chỉ vài trăm nghìn), người lớn tuổi không cần đến các cơ sở vật lý trị liệu mới có thể sử dụng tia hồng ngoại giảm đau.

 Sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu giúp giảm đau khớp hiệu quả ngay tại nhà khi tuân thủ đúng thời gian chiếu đèn - Ảnh minh họa: Internet

 Sử dụng đèn hồng ngoại trị liệu giúp giảm đau khớp hiệu quả ngay tại nhà khi tuân thủ đúng thời gian chiếu đèn - Ảnh minh họa: Internet

Hoặc mỗi ngày ngâm chân trong nước muối ấm và gừng một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ, ngâm từ 15 - 30 phút. Nước muối ấm và gừng có tác dụng làm dịu cơn đau, phòng bệnh đau khớp cổ chân và còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh cho toàn thân.

Đi bộ, tập các bài tập giúp cải thiện vận động và giảm cứng khớp, đau xương khớp khi trời lạnh. Tham gia các hoạt động thể dục vừa sức vào buổi sáng sớm có tác dụng rất lớn trong việc làm giảm các cơn đau khớp.

Đảm bảo hấp thu đủ các vi chất cần thiết như: canxi, vitamin C, D, ăn nhiều trái cây, cá hồi, các loại hạt, rau lá xanh đậm, cải xoăn… Hạn chế sử dụng các chất kích thích, chất béo bão hòa, đồ ăn quá chua, quá mặn… Đặc biệt, người lớn tuổi cần duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho các khớp, giúp khớp không bị thoái hóa sớm.

Khi khớp đau nhức nên đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị phù hợp. Không tự ý mua thuốc giảm đau về dùng (đặc biệt là các thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, thường chứa corticoiod có tác dụng giảm đau, kháng viêm mạnh nhưng lại dễ gây tổn thương dạ dày, gây phù nề, suy giảm hệ miễn dịch…).

Nhu cầu giảm đau xương khớp khi trời lạnh là không thể bỏ qua, nhưng quan trọng hơn hết là phải lựa chọn đúng phương pháp giảm đau, hiệu quả, an toàn, không gây tác dụng phụ có hại.

Theo Theo Phụ nữ sức khỏe
Nguồn: https://phunusuckhoe.vn/dau-xuong-khop-khi-troi-lanh-nguoi-trung-nien-nen-lam-gi-c25a331636.html
...