SỐNG KHỎE

4 thói quen sai lầm khi giữ ấm cơ thể ngày rét đậm

15/01/2021 - 10:15

Nhiều người cho rằng uống rượu, đóng kín phòng có thể giữ ấm cơ thể trong những ngày giá rét. Tuy nhiên, đây là những quan niệm sai lầm.

Khí hậu khô và lạnh giá vào mùa đông gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe như ho, cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản cấp tính. Khi nhiệt độ giảm, mọi người thường làm nhiều biện pháp để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, một số cách có thể gây hại cho sức khỏe.

Uống rượu để giữ ấm cơ thể

Hiện tượng má ửng đỏ, đổ mồ hôi cho thấy rượu chắc chắn ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể. Nhưng đồ uống có cồn này thực sự khiến bạn ấm lên hay không?

Nhiều người nghĩ rằng uống rượu có thể làm ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. (Ảnh: Theactivetimes)

Nhiều người nghĩ rằng uống rượu có thể làm ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. (Ảnh: Theactivetimes)

Theo Live Science, đồ uống có cồn có thể làm cho bạn cảm thấy ấm hơn nhưng nhiệt độ cơ thể thực sự đang giảm xuống. Rượu làm cho các mạch máu giãn ra, máu di chuyển đến gần bề mặt da hơn. Điều này khiến bạn cảm thấy một "cơn sóng nhiệt" ngay sau vài giây uống rượu. Nó lý giải hiện tượng mặt đỏ bừng khi bạn uống rượu.

Tuy nhiên, khi máu di chuyển khỏi các cơ quan nội tạng, nhiệt độ cơ thể của bạn sẽ giảm. Ngoài ra, hơi ấm do máu dồn lên da khiến bạn đổ mồ hôi, càng làm thân nhiệt giảm đi. Người uống không nhận ra sự sụt giảm nhanh chóng này vì da của họ vẫn khá ấm. Điều này khiến việc uống rượu trong thời tiết lạnh càng gây hại cho sức khỏe.

Tiến sĩ William Haynes, Giám đốc Dược lâm sàng tại Đại học Iowa (Mỹ), cho biết việc tiêu thụ rượu làm mất tác dụng nhiều phản xạ lành mạnh của cơ thể. Nó làm giảm hiện tượng run rẩy, khả năng cơ thể sử dụng khi phát hiện nhiệt độ lạnh, ngăn ngừa tê cóng hoặc hạ thân nhiệt.

Thông thường, các mạch máu co lại khi nhiệt độ thấp hơn để đưa máu đến các cơ quan quan trọng. Rượu làm đảo ngược quá trình này. Nó khiến cơ thể lầm tưởng là trời nóng, dẫn đến đổ mồ hôi - phản ứng để hạ thân nhiệt. Kết hợp với các tác hại của rượu, chúng có thể gây biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng nguy hiểm sức khỏe con người.

Đóng kín cửa và bật máy sưởi

Theo India Times, nhiều người có thói quen đóng kín cửa nhà và bật máy sưởi để giữ ấm vào mùa đông. Tuy nhiên, vào mùa đông, điều quan trọng là bạn cần giữ không khí trong lành.

Không khí trong phòng kín cùng độ ẩm cao có thể dẫn đến nấm mốc, tạo điều kiện cho các chất độc tích tụ trong nhà. Chúng bao gồm các chất hữu cơ dễ bay hơi, bào tử nấm mốc, bụi, khói, virus và vi khuẩn. Hít thở không khí này trong thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe. Nó có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi, buồn ngủ, đau đầu...

Đồng thời, chúng ta có thể bị kích ứng mắt, mũi, cổ họng, dẫn đến các vấn đề thị lực, đường hô hấp. Ngoài ra, sử dụng máy sưởi cũng có thể gây cảm giác bí, khó thở, ảnh hưởng lưu thông khí oxy trong phòng.

Bên cạnh đó, nếu để nhiệt độ phòng quá ấm, khi bạn ra ngoài trời lạnh, cơ thể khó thích ứng. Điều này làm tăng nguy cơ tê buốt, máu khó lưu thông, thậm chí gây hạ thân nhiệt, đột quỵ.

Phòng quá ấm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, khiến bạn dễ sinh bệnh hơn. (Ảnh: Thespruce)

Phòng quá ấm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, khiến bạn dễ sinh bệnh hơn. (Ảnh: Thespruce)

Mặc càng nhiều quần áo càng ấm

Mọi người thường nghĩ rằng khi thời tiết lạnh giá, chúng ta phải mặc nhiều lớp quần áo với chất liệu dày dặn mới đủ ấm. Tuy nhiên, đây cũng là quan niệm sai lầm.

Quần áo với chất liệu len, bông sẽ khiến mồ hôi không thoát ra ngoài được. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ra các vấn đề về da.

Thậm chí, nhiều người còn mặc quần áo quá bó sát. Điều này có thể khiến bạn khó chịu, không thoải mái, thậm chí, lạnh nhanh hơn trong nhiệt độ thấp. Các chuyên gia khuyên bạn nên mặc đồ hơi rộng, lỏng vì không khí giữa các lớp sẽ giúp giữ ấm cơ thể.

Đặc biệt với trẻ nhỏ, mặc quá nhiều quần áo hay đội mũ khi ngủ là không cần thiết. Ngược lại, nó khiến nhiệt độ ở não bộ của trẻ tăng cao, ảnh hưởng hoạt động vùng thần kinh trung ương, gây hại cho các bé.

Tắm nước nóng và lâu

Nhiều người có thói quen dành nhiều thời gian ngâm mình với nước nóng để làm ấm cơ thể trong mùa đông. Tuy nhiên, nước nóng sẽ làm khô và tổn thương da, dẫn đến da khô, đóng vảy và ngứa. Ngoài ra, tắm quá lâu có thể khiến bạn dễ bị cảm lạnh.

Thay vào đó, hãy chuyển sang dùng nước ấm và đừng quên thoa kem dưỡng ẩm chất lượng tốt sau mỗi lần tắm, khi da vẫn còn hơi ướt. Điều này sẽ giúp giữ độ ẩm nguyên vẹn cho da.

Ngoài ra, tiến sĩ Deanne Mraz Robinson, bác sĩ da liễu ở Westport, Connecticut, Mỹ, khuyên bạn chỉ nên tắm trong 5-7 phút ở nhiệt độ nước tắm là 37 độ C. "Nhiệt độ cao hơn có thể loại bỏ độ ẩm cần thiết cho da, làm suy giảm hàng rào bảo vệ tự nhiên của da", ông Deanne cho biết.

Theo VTC NEWS
Nguồn: https://zingnews.vn/4-quan-niem-sai-lam-khi-giu-am-co-the-vao-ngay-ret-dam-post1172183.html
...