NHỊP SỐNG

Không trừ tỷ lệ hưởng lương hưu với lao động dôi dư nghỉ hưu trước tuổi

12/05/2022 - 10:49

Chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu đã được thể chế hóa theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ thông tin thêm về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách người lao động dôi dư khi chuyển đổi, sắp xếp lại công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ.

Liên quan tới ý kiến cho rằng cần làm rõ nội dung người lao động dôi dư nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu, công văn của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, vấn đề này, Bộ đã giải trình tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định số 217/BC-BLĐTBXH ngày 27/12/2021.

Văn bản này khẳng định, chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu đã được thể chế hóa theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đối mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nhằm hỗ trợ cho người lao động dôi dư ổn định cuộc sống và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây là trường hợp đặc biệt quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ tại khoản 4 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019. Hiện tại chính sách này đang được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/ 2014 của Chính phủ. Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, chính sách này cũng đã được áp dụng từ năm 2002 đến nay và thực tế không có vướng mắc.

Vì vậy, Bộ đề nghị tiếp tục quy định chính sách này để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ phương án thay thế Nghị định 63/2015/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị sửa đổi tuổi nghỉ hưởng lương hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường từ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ lên đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi với nữ vào năm 2035 theo lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP.

Đối với người lao động dôi dư được nghỉ hưu trước tuổi, Bộ LĐ-TB&XH còn đề nghị hỗ trợ thêm 0,4 hoặc 0,2 tháng lương tối thiểu vùng tính bình quân cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động dôi dư không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưởng lương hưu trước tuổi hoặc đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo hình thức cổ phần hóa, bán, chuyển thành trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, Bộ đề xuất mức hỗ trợ 0,05 tháng lương tối thiểu vùng tính bình quân cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại.

Theo BÁO DÂN TRÍ
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/khong-tru-ty-le-huong-luong-huu-voi-lao-dong-doi-du-nghi-huu-truoc-tuoi-20220512100612408.htm
...