KHÁM PHÁ

Lạ lùng cảnh đàn tôm nối đuôi nhau "diễu hành" lên bờ khi mặt trời lặn

27/11/2020 - 20:00

Cảnh tượng độc đáo thu hút đông du khách tới bờ sông để chiêm ngưỡng khi mùa mưa ở Thái Lan tới, kéo dài từ cuối tháng 8 tới đầu tháng 10 hàng năm.

Đàn tôm nối đuôi nhau "diễu hành" lên bờ khi mặt trời lặn

Vào thời điểm hoàng hôn khi mặt trời lặn xuống cũng là lúc đàn tôm nối đuôi nhau "diễu hành" lên bờ. Chúng tập trung ở tảng đá gần mép sông. Suốt đêm, những con giáp xác dài khoảng 2,5 cm bò dọc bãi đá.

Cảnh tượng thú vị vừa được Watcharapong Hongjamrassilp, một nghiên cứu sinh đến từ trường Đại học California, Los Angeles (Mỹ) ghi lại và chia sẻ trên tạp chí Zoology hôm 9/11.

 Cảnh tượng đàn tôm diễu hành lên bờ khi mặt trời lặn

 Cảnh tượng đàn tôm diễu hành lên bờ khi mặt trời lặn

Đàn tôm "diễu hành" thường xuất hiện vào mùa mưa từ cuối tháng 8 tới đầu tháng 10 hàng năm ở vùng đông bắc Thái Lan. Đó cũng là thời điểm du khách tới đây rất đông. Họ mang theo đèn pin đến các bờ sông để xem cảnh "tôm đi dạo".

Watcharapong Hongjamrassilp biết tới việc tôm diễu hành từ 20 năm trước. Sau đó, hiện tượng này thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch tới mỗi năm. Hiện tượng này thu hút Watcharapong khiến anh quay trở lại đây để nghiên cứu.

Đoạn video do nhóm nghiên cứu ghi lại cho thấy đàn tôm bắt đầu di chuyển từ khi mặt trời lặn tới lúc mặt trời mọc. Chúng đi về phía thượng nguồn xa tới 20 m, trong đó một số con rời khỏi mặt nước tới 10 phút.

"Tôi rất bất ngờ và không hiểu tại sao chúng lại rời bỏ nơi an toàn dưới nước để ngược dòng lên trên vùng đất khô hạn đầy rẫy nguy hiểm. Chúng đi đâu vậy?", anh Watcharapong nói.

 Hiện tượng này thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch tới chiêm ngưỡng

 Hiện tượng này thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch tới chiêm ngưỡng

Sau đó, nhà nghiên cứu sinh này đã làm việc với các nhân viên của trung tâm động vật hoang dã, đi khảo sát 9 địa điểm dọc theo một con sông ở tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan. Họ tiếp tục thấy hiện tượng này tại hai trong số các địa điểm - một đoạn ghềnh và một con đập thấp.

Kết quả phân tích ADN cho thấy những con tôm này gần như đều thuộc loài Macrobrachium dienbienphuense nằm trong họ tôm sống chủ yếu hoặc an toàn ở môi trường nước lạnh. Nhiều loài này dành thời gian di chuyển tới thượng nguồn là môi trường sống ưa thích.

 Toàn cảnh cuộc

 Toàn cảnh cuộc "diễu hành" từ trên cao

Hầu hếu những con tôm di cư mà nhóm nghiên cứu phát hiện thấy đều còn nhỏ. Chúng có thể rời khỏi nước khi dòng chảy quá xiết. Những con trưởng thành hơn có thể chịu được dòng nước chảy mạnh mà không bị cuốn trôi, nên chúng ít bò lên bờ hơn con nhỏ.

Trên thực tế, việc "đi bộ" trên bờ rất nguy hiểm với loài tôm nhỏ, ngay cả khi chúng di chuyển trong bóng tối. Những động vật săn mồi như ếch, rắn và nhện luôn sẵn sàng rình rập.

Ngoài ra, nếu chúng bị lạc đường có thể sẽ chết khô trước khi kịp quay trở lại dòng sông. Đôi lần anh Watcharapong bắt gặp những đàn tôm lạc đường nằm phơi mình trên bãi đá. Chúng bị ánh mặt trời thiêu đốt, nướng thành màu hồng.

Ngày nay, số lượng tôm diễu hành ở Thái Lan đang giảm dần. Anh Watcharapong cho rằng điều này liên quan tới các hoạt động du lịch. Bởi vậy, anh hi vọng công trình nghiên cứu của mình có thể phần nào giúp bảo vệ loài tôm này.

Theo BÁO DÂN TRÍ
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/la-lung-canh-dan-tom-noi-duoi-nhau-dieu-hanh-len-bo-khi-mat-troi-lan-20201119160407365.htm
...