GIẢI TRÍ

Nghệ nhân "mừng rơi nước mắt" khi Google tôn vinh ca trù Việt Nam

23/02/2020 - 20:40

Từ 0 giờ ngày 23/2, hình ảnh minh họa một chầu hát ca trù được thay thế biểu tượng Google trên trang Google.com.vn (tính năng Google Doodle) đã khiến nhiều nghệ nhân ca trù "mừng rơi nước mắt".

Bức họa về một gánh hát ca trù của họa sĩ Xuân Lê được thể hiện trên Google Doodle

Bức họa về một gánh hát ca trù của họa sĩ Xuân Lê được thể hiện trên Google Doodle

Sau gần 11 năm được UNESCO tôn vinh di sản ca trù, nghệ nhân vẫn từng ngày mong ngóng ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Chính vì vậy, nhiều nghệ nhân hy vọng, việc làm của Google sẽ thức tỉnh giới trẻ quan tâm hơn đến ca trù.

23/2 là ngày giỗ tổ nghiệp Ca trù. Google lựa chọn hình ảnh do họa sĩ Xuân Lê vẽ, diễn tả một chầu hát gồm ba thành phần chính: Ca nương đảm nhận hát và gõ phách lấy nhịp, kép chơi đàn đáy phụ họa và quan viên - đánh trống chầu chấm câu. Họa sĩ Xuân Lê - tác giả bức vẽ cho biết anh xem video ca trù để tìm cảm hứng sáng tác. Họa sĩ mong qua Google, công chúng sẽ tò mò và tìm hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật này.

NSƯT Bạch Vân, một ca nương có 30 năm lăn lộn với ca trù cũng đã "mừng rơi nước mắt" khi nhận được thông tin hình ảnh của ca trù được xuất hiện tạm thời, thay thế biểu tượng Google.

Bởi theo NSƯT Bạch Vân: “Với lịch diễn thường xuyên vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần ở 42 Hàng Bạc, tôi nhận thấy vẫn chỉ có khách nước ngoài quan tâm đến ca trù, một tháng may ra có 1-2 khán giả Việt và khán giả trẻ là người Việt lại càng không. Người trẻ sử dụng công nghệ tìm kiếm qua mạng nhiều, nên một cái kích chuột trên một biểu tượng có thể giúp họ hiểu thêm và nhớ đến ca trù”.

bach van tren chieu hats

Nói về ca trù, trên thanh tìm kiếm công cụ của Google giới thiệu: “Ca trù có nguồn gốc từ thế kỷ XI, phong cách mang nhiều nét giống nghi lễ Geisha của Nhật Bản và các màn trình diễn Opera. Ban đầu, ca trù được xem là thú vui giải trí cho giới quý tộc trong hoàng cung, sau đó, đi vào không gian văn hóa chung của Hà Nội thời hiện đại".

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng, Hà Nội là cái nôi của ca trù, bởi vì Hà Nội là Thăng Long. Ca trù sinh ra từ Thăng Long, lớn lên từ Thăng Long, có tên ca trù cũng có từ Thăng Long, di tích còn lại vẫn còn đây là đình Đông Ngạc. Tóm lại, Thăng Long là cái nôi của ca trù...

Tháng 10/2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cho đến nay, với nỗ lực của các nghệ nhân và các cơ quan Nhà nước ca trù vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Bởi vì, đối tượng phục vụ của ca trù khá khu biệt.

“Sự kiện Google tôn vinh ca trù Việt Nam là điều đáng tự hào, rõ ràng là giá trị của ca trù được nhìn nhận và có thể coi là thành quả trong một giai đoạn. Qua đây, cũng là dịp để khuyến khích giới trẻ quan tâm văn hóa truyền thống...” - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ.

Theo Báo Kinh tế đô thị
Nguồn: http://kinhtedothi.vn/nghe-nhan-mung-roi-nuoc-mat-khi-google-ton-vinh-ca-tru-375790.html
...