GIA ĐÌNH

Vì sao Đức Phật nhiều lần từ chối lời thỉnh cầu khẩn thiết của mẹ kế?

16/05/2022 - 10:05

Hoàng hậu Kiều Đàm Di là dì ruột, mẹ kế của Phật, một tay nuôi ngài khôn lớn, nhưng chính ngài sau khi thành Phật đã mấy lần từ chối lời thỉnh cầu tha thiết của bà.

Hoàng hậu Ma Da (Maya), vợ vua Tịnh Phạn (Suddhodana) của tiểu quốc Thích Ca (Shakya) sinh ra thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha), người sau này chứng đạo thành Phật, được 7 ngày thì qua đời. Vua Tịnh Phạn sau đó cưới em gái của bà là Kiều Đàm Di (Gotami) làm vợ.

Kế mẫu của Đức Phật

Là em ruột của Hoàng hậu Ma Da quá cố, bà Kiều Đàm Di không chỉ là kế mẫu mà còn là dì ruột của thái tử Tất Đạt Đa.

Hoàng hậu mới của vua Tịnh Phạn hết lòng thương xót đứa con mồ côi của chị gái, cũng là con riêng của chồng mình. Muốn bù đắp thật nhiều cho đứa trẻ thiệt thòi sớm mồ côi mẹ, sau khi sinh hoàng tử Nan Đà (Nanda), bà Kiều Đàm Di giao con ruột cho vú nuôi chăm sóc, để mình có thể tiếp tục tự tay nuôi dạy thái tử. Bởi thế, tình yêu và sự biết ơn của thái tử dành cho mẹ kế là không thể kể xiết.

Tranh vẽ hoàng hậu Kiều Đàm Di và thái tử Tất Đạt Đa.

Tranh vẽ hoàng hậu Kiều Đàm Di và thái tử Tất Đạt Đa.

Sau này khi sinh thêm một công chúa, hoàng hậu cũng chưa bao giờ yêu thương con riêng của chồng ít hơn. Việc thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện và đời sống thế nhân để đi tìm con đường thoát khổ cho nhân loại cũng khiến bà đau lòng, nhớ thương không nguôi. Ngoài việc nuôi dạy các con ruột, từ đó bà còn hỗ trợ, động viên vợ thái tử - công chúa Da Du Đà La, nuôi dưỡng con sơ sinh của nàng.

Bà Kiều Đàm Di cũng là một trong những người vui mừng nhất khi biết thái tử đã thành Phật và sẽ trở lại quê nhà. Cùng với những người khác trong hoàng tộc, bà chăm chú nghe Phật thuyết pháp và nhanh chóng đắc quả Tu Đà Hườn (bậc đầu tiên trong 4 thánh quả, bậc cao nhất là A La Hán - đắc Niết bàn). Người ta đoán rằng vào thời điểm đó hoàng hậu đã nhen nhóm ý nguyện sống đời xuất gia, dù thời đó chỉ đàn ông mới có quyền trở thành tu sĩ, và giáo đoàn của Phật cũng chỉ có nam giới.

Bị Phật từ chối vẫn kiên trì cầu khẩn

Sau khi vua Tịnh Phạn qua đời, hoàng hậu Gotami cảm thấy mình đã không còn vướng bận nghĩa vụ gia đình, bèn tìm cơ hội để thoát ly thế tục. Nhân khi Đức Phật đến Ca Tỳ La Vệ để giàn xếp vụ tranh chấp kênh đào giữa hai tộc Thích Ca (Shakya) và Câu Lỵ (Koliya), bà tới gặp, thỉnh cầu ngài phép nữ giới được xuất gia.

"Bạch Đức Thế tôn, sẽ là điều may mắn lớn cho nữ giới nếu ngài chấp nhận cho phụ nữ được từ bỏ nếp sống gia đình để khép mình vào đời sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của giáo pháp và giới luật mà Đức Thế tôn công bố", bà nói.

Không nêu lý do, Đức Phật lập tức từ chối. Bà Kiều Đàm Di lặp lại lời thỉnh cầu lần thứ hai, rồi lần thứ ba, nhưng ngài vẫn không chấp nhận.

Xong việc ở thành Ca Tỳ La Vệ, Phật đến thành Vệ Xá (Vesali), ngự trong một ngôi đền. Bà Kiều Đàm Di cùng 500 phụ nữ quý tộc trong dòng họ Thích Ca đều xuống tóc, bỏ hết trang sức và xiêm y sang trọng, đắp y vàng của tu sĩ, đi bộ trên đôi chân trần gần 200 cây số đến Vệ Xá. Mệt mỏi sau hành trình dài gian khổ, đôi chân sưng vù, thân thể lấm lem, họ tới trước cửa tịnh thất của Phật.

Bà Kiều Đàm Di dẫn đầu đoàn mệnh phụ phu nhân xin Phật cho phép xuất gia.

Bà Kiều Đàm Di dẫn đầu đoàn mệnh phụ phu nhân xin Phật cho phép xuất gia.

Thị giả của ngài là đại đức A Nan Đà (Ananda) thấy bà Kiều Đàm Di đang khóc liền tiến tới hỏi han. Biết được nỗi khổ tâm cũng tâm nguyện của bà, A Nan Đà thương xót, liền đến gặp Phật để xin hộ.

"Bạch Đức Thế tôn, xin ngài hãy xem, bà Kiều Đàm Di đang đứng ngoài cổng với đôi chân sưng vù, mình mẩy đầy cát bụi, trông rất sầu muộn. Xin Đức Thế tôn hoan hỉ chấp thuận cho nữ giới được từ bỏ đời sống gia đình và khép mình vào nếp sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của giáo pháp và giới luật mà ngài đã công bố" - A Nan Đà thỉnh cầu.

"Đủ rồi, A Nan Đà. Như Lai không thể chấp nhận cho hàng phụ nữ xuất gia", Đức Phật nói. A Nan Đà cố van nài, nhưng cả 2 lần khẩn khoản sau đó đều bị chối từ.

Không nản lòng, đại đức A Nan Đà hỏi Phật rằng nếu tu hành, phụ nữ có thể đạt các thánh quả Tu Đà Hườn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán hay không, và được trả lời rằng phụ nữ hoàn toàn đủ khả năng đạt các thành tựu đó.

Nghe vậy, A Nan Đà lại khẩn thiết cầu xin lần nữa: "Lệnh bà Kiều Đàm Di đã có rất nhiều công nuôi dưỡng Đức Thế tôn. Bà vừa là dì, vừa nhũ mẫu, kế mẫu. Bà đã nuôi Đức Thế tôn bằng sữa của chính mình, bế ẵm ngài trong lòng thay hoàng hậu quá cố..."

Cuối cùng, Đức Phật tuyên bố, ngài sẽ cho phép bà Kiều Đàm Di thành lập giáo hội tỳ khưu ni (ni sư) nếu bà chấp nhận một số điều kiện, phép tắc. Khi nghe những điều kiện này, bà Kiều Đàm Di hoan hỉ chấp thuận. Bà cùng các mệnh phụ tộc Thích Ca được làm lễ xuất gia, trở thành những ni sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.

Chỉ ít lâu sau khi sống đời tu hành, kế mẫu của Đức Phật đắc quả A La Hán, nhiều cựu mệnh phụ khác cũng đạt thánh quả này.

Vì sao Đức Phật nhiều lần từ chối cho nữ giới xuất gia? Kinh sách cho thấy không có lần nào ngài tuyên bố phụ nữ thấp kém hơn nam giới cả về trí tuệ, bản lĩnh hay khả năng đạt đạo giải thoát. Ngài lo ngại rằng nếu phụ nữ gia nhập đời sống tự viện, việc giữ gìn phẩm hạnh độc thân của những người tu hành sẽ trở nên khó khăn hơn. Khi đồng ý thành lập giáo hội tỳ khưu ni, Đức Phật đã ban hành các giới luật để hạn chế nguy cơ này.

Trong lịch sử nhân loại, Đức Phật là vị giáo chủ đầu tiên thành lập giáo hội cho nữ giới với đầy đủ giới luật. Ở thời đại mà trên khắp thế giới và đặc biệt là Ấn Độ, năng lực của phụ nữ bị đánh giá vô cùng thấp, Đức Phật đã khẳng định họ có đủ khả năng đạt đạo quả cao nhất. Nhiều tôn giáo của gần 3.000 năm sau vẫn chưa đạt tới điều này.

Theo VTC NEWS
Nguồn: https://vtc.vn/vi-sao-duc-phat-nhieu-lan-tu-choi-loi-thinh-cau-khan-thiet-cua-me-ke-ar676515.html
...