GIA ĐÌNH

Lẽ nào mẹ chẳng quan trọng?

15/08/2020 - 09:30

Cứ tưởng mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu muôn đời phức tạp và diễm phúc cho người con gái nào đi lấy chồng mà vẫn được ở cùng mẹ đẻ. Nhưng diễm phúc cho con gái nhiều khi lại thành ác mộng của mẹ già.

 

 Ảnh minh họa: Getty Images

 Ảnh minh họa: Getty Images

Bà C. là một ví dụ như thế. Vợ chồng bà sống ở quê, chỉ sinh được hai người con gái. Cô con gái lớn lập gia đình nhưng nhà chồng cũng không có điều kiện nên các con đều phải tự lập. Vì đất rộng nên bà bàn bạc với chồng bán bớt đất mua hai suất trên thành phố cho hai con. Sau đó bà còn dồn tiền đủ xây được một căn nhà, số tiền xây nhà đó coi như là cho con gái vay rồi trả dần. Vậy là vợ chồng cô con gái lớn về ở căn nhà đó, bà cũng bỏ hết việc ở quê để lên giúp đỡ chăm sóc con cháu.

Khi con gái út lập gia đình, thương con vất vả đi ở trọ, bà bàn với vợ chồng con lớn cho các em về ở cùng cho tiết kiệm chi phí. Hàng ngày con cái đi làm, bà ở nhà mọi việc, dọn dẹp nhà cửa, chợ búa cơm nước. Xung quanh có mấy lô đất của hàng xóm chưa xây nhà, bà còn trồng thêm cả vườn rau xanh mướt. Ai nhìn vào cũng nghĩ thật phước cho bà khi được sống quây quần cùng con cháu mà lại là con gái, nên không lo mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Nhưng đến khi bà kể ra những câu chuyện hàng ngày mới thấy bà cũng nhiều ấm ức.

Các con quen được mẹ chăm lo nên đi làm về, đứa nào đứa nấy chỉ lo việc cá nhân mình. Cô con gái út cứ đi làm về là dành cả tiếng ngồi thiền, rồi hai vợ chồng dắt tay nhau đi bộ thể dục. Con gái lớn thì về nhà mải miết làm thêm bán hàng online, không một ai để ý đến việc nhà. Tất cả chỉ tập trung trong bữa ăn khi cơm ngon canh ngọt bà đã dọn sẵn trên bàn. Có những hôm bà thấy trong người hơi mệt nên nằm nghỉ, con cái thấy chỉ hỏi “sao mẹ chưa nấu cơm?”. Bà bảo mẹ hơi mệt, lát mẹ nấu. Vậy là các con cũng vô tâm, như thể mặc định việc cơm nước chỉ bà mới biết. Nằm một lúc, không thấy con cái động tĩnh gì, bà lại cố gắng dậy nấu nướng. Nhiều lần như thế, bà buồn lắm, nỗi buồn chẳng biết chia sẻ cùng ai vì sự vô tình của con cái, nhưng bà vốn là người mẹ tần tảo, xưa nay việc gì cũng nhẫn nhịn quen rồi, bà buồn nhưng nén tiếng thở dài và vẫn chu toàn mọi việc.

Nhưng buồn hơn là nhà có bao nhiêu tiền từ bán đất, bà dồn hết mua đất làm nhà. Không có lương hưu nên giờ tay trắng. Con cái nhìn vào lại tỵ nạnh nhau. Con gái út luôn thấy thiệt thòi khi mình phải tự vay mượn xây nhà còn chị gái lại được cả nhà lẫn đất. Bởi suy nghĩ đó nên dù ở nhờ nhà anh chị nhưng cô út chỉ đóng góp chút ít tiền ăn. Ngoài số đóng góp ra không bao giờ bỏ ra dù chỉ một nghìn để mua thêm bất cứ thứ gì. Vợ chồng cô chị cũng không dư dả nên chỉ đưa bà một khoản nhất định để lo việc ăn uống cho gia đình. Số tiền ít ỏi, mọi tính toán chi li lại nhường hết phần cho người mẹ. Tiền ít, nhà đông con đông cháu, ngày nào bà C cũng phải đau đầu vì muốn đổi bữa cho gia đình, vừa muốn chi tiêu cho khéo, bởi nếu thiếu bà cũng không có đâu mà bù.

Bà ốm phải nằm viện vài bữa, nhà cửa bắt đầu loạn lên. Việc nhà xưa nay chỉ mình bà lo toan, nay rối bời. Ngay cả việc con cái cần thay nhau nghỉ để lo cơm nước cho bà cũng là vấn đề. Cô em ấm ức so bì, mẹ sống cả đời toàn phục vụ cho nhà chị gái, bao nhiêu tiền cũng dồn cho chị gái, giờ chị phải có trách nhiệm hơn. Chị gái thì đúng giai đoạn công ty đang thanh kiểm tra khó xin nghỉ, lại phải nhờ em. Cô em gái vào chăm mẹ mang theo nỗi hậm hực rồi còn nói luôn với mẹ. Bà buồn chỉ biết quay đi giấu giọt nước mắt, ngẫm lại câu: Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.

Mấy đứa cháu ngoại, đứa nào cũng ham chơi game, bố mẹ mải mê công việc chả ai để ý. Chỉ có bà biết nhưng nói cháu chẳng vâng lời. Bà buồn đem chuyện nói với các con, mong các con bớt chút thời gian để ý con cái, uốn nắn dần dần. Con rể bà buông câu hời hợt: “Tuổi này nó phải thế, hỏng đâu sửa đấy, chứ giờ làm sao mà cấm đoán được”.

Cuối năm, kết quả học của con cái không như ý muốn, con rể bà đi họp phụ huynh về, mặt đằng đằng sát khí, lôi con ra đánh chửi thậm tệ và phạt từ nay cấm sờ đến điện thoại, ti vi, ngay cả điều khiển ti vi cũng giấu đi. Bà C những lúc rảnh rỗi chỉ biết theo dõi phim là niềm vui lúc tuổi già, giờ phải sang nhà hàng xóm xem nhờ.

Nhìn dáng bà lúc nào cũng lầm lũi, khuôn mặt hiền từ chất phác, cả một đời lo lắng cho các con, nhưng các con lại vô tâm, còn vì những so bì hơn thua, cuối cùng người hứng chịu và lo nghĩ buồn tủi nhất lại là mẹ.

Theo BÁO DÂN TRÍ
Nguồn: https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/le-nao-me-chang-quan-trong-20200812113044103.htm
...