GIA ĐÌNH

Làm gì đây khi con luôn thấy buồn?

28/11/2019 - 10:56

Nói cho con biết rằng, những cảm giác buồn bã, cô đơn đều là những cảm giác rất bình thường. Và nói với con về các tình huống có thể dẫn đến trầm cảm.

Robyn Gunn háo hức và tràn trề hy vọng khi đặt chân vào trường đại học Leeds ngành tiếng Anh và tâm lý, nhưng sự khởi đầu không mấy suôn sẻ. Căn hộ sinh viên gồm sáu người với những cá tính khác nhau: “Hai người trong số này có vấn đề về tâm thần và bỏ học trước kỳ Giáng sinh. Một người đam mê thể thao và không hiểu tại sao các bạn không thức dậy lúc bốn giờ sáng để đạp xe. Một người có bạn gái và không bao giờ có mặt trong căn hộ. Còn tôi thì không đi dự buổi lễ đón chào tân sinh viên vì không có ai đi cùng. Tôi đã từng nghĩ sẽ giao lưu cùng các bạn trong căn bếp chung. Nhưng thực tế là không ai nói chuyện với ai, và tôi luôn phải ăn một mình”. 

Gặp gỡ các bạn cùng khóa cũng khó khăn hơn cô tưởng tượng: “Do học theo chứng chỉ, các bạn học chung học kỳ này, không nhất thiết sẽ gặp nhau trong học kỳ tới. Và theo kịp bài vở là cả một vấn đề. Bạn phải đọc một hoặc hai cuốn sách trong một tuần cho một chứng chỉ. Tôi ngồi trong các buổi hội thảo và cảm thấy mình chìm lỉm”.

 Ảnh minh hoạ

 Ảnh minh hoạ

Gunn cố gắng thoát khỏi sự khó chịu này bằng cách tham gia các buổi tiệc dành cho sinh viên: “Ra ngoài nhiều sẽ giúp tôi có nhiều bạn hơn, nhưng tiệc tùng không phải là cách. Khi câu chuyện bắt đầu với một ly rượu, rất khó để có một kết nối chân thật”.

Chỉ trong vòng vài tháng, Gunn học sút dần. Cô không còn thấy vui nữa: “Tôi bị mất ngủ, ăn uống bừa bãi, là trung tâm của các cuộc vui nhưng lúc nào cũng thấy buồn. Tôi không có ai để chia sẻ. Bạn bè mới thì không đủ tin tưởng, cha mẹ thì cứ nghĩ tôi ổn. Tôi hầu như không gọi điện về nhà, nếu bố mẹ gọi thì tôi luôn bận. Họ sợ phiền tôi nên cũng không gọi nữa”.

Được biết, cứ năm sinh viên thì có một người bị chẩn đoán là có bệnh lý về tâm thần. Những nghiên cứu mới đây cho thấy, các trường đại học có danh sách sinh viên chờ trong ba tháng để được tư vấn.

Ollie Kasper-Hope, giám đốc tổ chức Student Minds, một tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần - cho biết: “Không thể biết chính xác sự gia tăng số lượng sinh viên cần tư vấn, là do số bệnh nhân ngày càng tăng, hay là sự nhận thức về vấn đề này được nâng cao trong cộng đồng. Phần lớn các ca trầm cảm thường khởi phát ở độ tuổi 24. Hơn nữa, sự thay đổi cũng ảnh hưởng rất lớn, từ một cô bé cậu bé 18 tuổi đang sống cùng gia đình, chuyển đến một cộng đồng rộng lớn và đa dạng hơn. Họ phải tự lập, tự kết nối bạn bè, tự cân đối tài chính, tự giác học hành, tự nấu ăn. Cha mẹ cần hiểu là các vấn đề này có ảnh hưởng lớn như thế nào đến các em”.

Janey Downshire, tư vấn viên cho cha mẹ của tổ chức Teenagers Translated, cho rằng, khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế cũng có thể gây áp lực: “Trước khi bước vào đời sống sinh viên, các em thường nghĩ mọi thứ sẽ rất tuyệt, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Khi gặp khó khăn, các em sẽ rơi vào trạng thái mất ngủ, ăn uống thất thường, suy nghĩ tiêu cực... Đây là khởi điểm dẫn đến trầm cảm”. 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa

Các bậc cha mẹ ở xa không biết điều gì xảy ra với con mình, họ phải làm gì? Downshire chia sẻ: “Hãy nói chuyện với con về những mục tiêu con đang hướng đến, giúp chúng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn. Nói cho con biết rằng, tất cả những cảm giác buồn bã, cô đơn, nhớ nhà đều là những cảm giác rất bình thường trong một cuộc sống mới. 

Và nói với con về tầm quan trọng của giấc ngủ, bữa ăn và các tình huống có thể dẫn đến trầm cảm. Khi con ở xa, bạn hãy hẹn giờ để trò chuyện cùng con, một tuần một lần để con có khoảng không gian riêng. Nên khuyến khích con về nhà mỗi học kỳ...”.

Khi Gunn trở lại trường đại học vào năm hai, cô viết thư cho cha mẹ kể rằng mình đã khổ sở thế nào. Cô nói: “Bố mẹ tôi vô cùng lo lắng, họ đã lập tức gọi điện cho tôi và nói sẽ đến Leeds để gặp tôi. Chúng tôi đã có một cuối tuần vui vẻ, tôi tâm sự với họ tất cả những gì xảy ra với mình”. 

Sau đó, Gunn điền đơn xin tư vấn trên mạng của trường và có cuộc hẹn sau đó một tuần. Cô gọi điện cho đường dây nóng Nightline, một dịch vụ lắng nghe và hỗ trợ từ các đồng môn - và nhận sự hỗ trợ mỗi khi cô cảm thấy mình bất ổn. Kể từ khi giải quyết các vấn đề của mình, cô đã xây dựng được những mối quan hệ bạn bè bền vững. 

Hiện Gunn đang học năm cuối. Cô vừa hoàn thành các khóa học xen lẫn với ba công việc làm thêm. “Tôi đang có một cuộc sống tốt đẹp, những người bạn tốt. Tôi đã gần tuyệt vọng và suýt mất tất cả. Với các bạn sinh viên năm nhất, tôi có lời khuyên là hãy nói ra những lo lắng của mình với ai đó - cha mẹ, bạn bè hay nhà tư vấn. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ lòng rất nhiều”. 

Theo Phan Quỳnh Dao/Phunuonline
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/hon-nhan-gia-dinh/lam-gi-day-khi-con-luon-thay-buon-170003/
...