GIA ĐÌNH

Cụ ông bị cả nhà phản ứng vì gọi vợ yêu. Chuyên gia nói tuổi nào thì không nên gọi anh em, vợ yêu

01/12/2020 - 09:30

Cụ bà 80 tuổi đến gặp chuyên gia xin lời khuyên vì hôm qua chồng bà gọi "vợ yêu ơi", khiến cả nhà tròn mắt, con trai trưởng gắt gỏng. Không ít người đã buồn cười, hoặc khó chịu khi các ông bà già gọi “anh - em, anh yêu - vợ yêu”, vậy những cặp từ này tuổi nào nên thôi dùng?

Bị con cái phản ứng vì gọi "vợ yêu ơi"

Bà cụ 80 tuổi đến gặp chuyên gia tư vấn hạnh phúc gia đình vì đang có chuyện khó nghĩ, muốn có lời khuyên. Nguyên do là tối hôm qua sau bữa ăn chồng bà gọi: "Vợ yêu ơi lại đây uống nước" khiến cả nhà ngạc nhiên. Cậu con trai trưởng còn gắt gỏng: "Già rồi còn yêu đương cái nỗi gì"?

Khi còn trẻ ông bà vẫn gọi nhau là "anh em", "vợ yêu, chồng yêu". Từ khi có dâu có cháu tự dưng chúng nó cứ gọi là ông, là bà, chứ riêng tư thì ông bà vẫn xưng hô "anh em", "vợ yêu, chồng yêu". Nhưng lần này ông gọi vậy sau bữa ăn khi cả nhà còn đang ở đó nên con cháu có phản ứng. Vậy có phải cứ tuổi già là không được xưng hô như vậy?

 Qua cách xưng hô biết tình cảm, sự tôn trọng của hia vợ chồng. Ảnh minh họa.

 Qua cách xưng hô biết tình cảm, sự tôn trọng của hia vợ chồng. Ảnh minh họa.

Câu hỏi của bà cụ khiến chuyên gia nhớ tới câu chuyện hài hước khi vị quan tòa hỏi bị can:

- Tại sao anh đánh vợ dã man như vậy?

Anh ta đáp:

- Thưa quý tòa, lúc đó cô ấy không phải vợ tôi vì xưng là... "bà" với tôi.

Và trong một số cuộc hòa giải hai vợ chồng trước khi ly hôn chỉ trong 1 giờ mà cách xưng hô của họ thay đổi liên tục, từ "anh em" đến "anh tôi", "cô tôi"… rồi "ông tôi", hoặc "bà tôi". Mỗi lần thay đổi cách xưng hô là mâu thuẫn tăng thêm, đến đỉnh điểm "mày tao" thì chỉ còn đợi ngày ra tòa.

 Nhiều cặp vợ chồng già rất vui được yêu thương chăm sóc nhau cả đời. Ảnh minh họa.

 Nhiều cặp vợ chồng già rất vui được yêu thương chăm sóc nhau cả đời. Ảnh minh họa.

Xưng hô là cách thể hiện tình yêu

Theo số liệu của Cục Bảo trợ Xã hội, điều kiện sống ngày càng được cải thiện, tuổi thọ của người dân càng cao. Hiện cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (khoảng 11,86%), và dự báo 10 năm nữa người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%. Nhiều người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn có sức khỏe rất tốt, tinh thần vui vẻ và nhu cầu tình cảm lạc quan nên tham gia nhiều hoạt động hữu ích trong cuộc sống.

Số lượng người già tăng thì các gia đình 2 – 3 thậm chí 4 thế hệ cùng chung sống sẽ ngày càng nhiều lên. Thực tế trong cuộc sống người ta thường khen ông/bà nhớ giỏi, nhớ dai, yêu thương vợ/ chồng lâu bền, nhưng phần lớn lại ngại phải nghe, rồi chán hẳn ra mặt những lời nói ngọt ngào, nhớ nhớ quên quên của cha mẹ.

Vera Xuân Hường (Giám đốc Công ty CP tư vấn tâm lý Hạnh Phúc Việt) chia sẻ, hàng ngày chị tiếp xúc với nhiều người con dày công đi tìm hiểu sở thích, tâm sự tuổi già, thói quen, hay những dịch vụ chăm sóc người cao tuổi để tạo những "cuộc hẹn" bất ngờ dành riêng cho cha mẹ họ, giúp cha mẹ không còn cảm thấy cô đơn, buồn tủi, lẻ bóng trên đường đời, mong muốn cha mẹ già sống vui vẻ, lạc quan, trường thọ.

 Có một người yêu thương, chia sẻ vui buồn là một điều hạnh phúc. Ảnh minh họa.

 Có một người yêu thương, chia sẻ vui buồn là một điều hạnh phúc. Ảnh minh họa.

Trong quan hệ vợ chồng, cặp xưng hô "anh em" được dùng trong nhiều hoàn cảnh giao tiếp, có cảm giác "trung tính" nhưng không diễn tả được hết cung bậc tình cảm yêu thương, hòa thuận giữa hai vợ chồng.

Cặp xưng hô "người ta – mình" thân mật hay được các cặp đôi mới yêu nhau, cặp vợ chồng trẻ dùng, kiểu như "Mình vắng nhà người ta cô đơn lắm đấy".

Các cặp vợ chồng trung tuổi, ở với nhau đã lâu thì có sự thay đổi trong cách xưng hô như: Tôi – ta/ em, bố/ba – mẹ/má, ông – bà… Mỗi cặp xưng hô là một cung bậc tình cảm, thể hiện nhận thức, truyền thống văn hóa trong mỗi gia đình. Cũng là cách thể hiện tình cảm, mức độ hòa hợp trong đời sống hôn nhân qua các cung bậc tình cảm có thể nhận ra mức độ giận dỗi, bất hòa, hay đang mặn nồng, gắn bó, thân mật, yêu thương.

Xưa các cụ đã dạy rằng muốn xây dựng gia đình hạnh phúc vợ chồng phải trọng nhau như khách quý, và sự thiếu lịch sự sẽ dần giết chết tình yêu. Nhưng ngày nay nhiều người lịch sự với người ngoài, còn vợ chồng quan trọng nhất đời lại suồng sã, nhiều khi không có được cái lịch sự giao tiếp tối thiểu. Ví dụ bạn không dám nói người khác: "Ông/bà bỏ ngay cái luận điệu cũ rích ấy đi", nhưng lại sẵn sàng nói như thế, hoặc những câu tương tự thế với người yêu thương nhất là vợ/chồng của mình.

 Hạnh phúc hơn rất nhiều khi có một người nắm tay cùng nhau đi đến trọn đời. Ảnh minh họa.

 Hạnh phúc hơn rất nhiều khi có một người nắm tay cùng nhau đi đến trọn đời. Ảnh minh họa.

Rất nhiều mâu thuẫn, bất đồng không mấy trầm trọng, nhưng vì cách xưng hô thiếu kiềm chế, hàm hồ đã "đổ thêm dầu vào lửa" trở thành xung đột trầm trọng.

Xưng hô giữa hai vợ chồng là tấm gương để con cái noi theo sau này, vì thế cách xưng hô "tôi – ta, mày – tao" thiếu thôn trọng nhau khiến con cái chẳng học được gì ở cha mẹ!

Vera Xuân Hường cho hay, cặp xưng hô "anh – em" khá phổ biến, bắt đầu khi đôi trai gái mới quen biết nhau, qua yêu đương hẹn hò, khi nên duyên chồng vợ… cả đến lúc hai mái đầu đã bạc. Suốt thời gian hạnh phúc, lúc đau buồn, khi khỏe mạnh, đau yếu, buồn thương, khóc lóc thì cặp từ "anh – em" giữa hai vợ chồng vẫn luôn đong đầy tình yêu thương, trân quý nhau, được coi như gia vị, hay vitamin cho cuộc hôn nhân thêm mặn nồng.

 Nhiều người con dày công tìm hiểu tâm sự tuổi già giúp cha mẹ sống vui vẻ, trường thọ. Ảnh minh họa.

 Nhiều người con dày công tìm hiểu tâm sự tuổi già giúp cha mẹ sống vui vẻ, trường thọ. Ảnh minh họa.

Năm tháng vùn vụt trôi, nhưng qua cách xưng hô là biết tình cảm, sự tôn trọng vợ chồng, Đó cũng là cách "tương kính như tân" giữ tình cảm vợ chồng luôn ấm áp lửa yêu thương nồng cháy.

Nhiều người trẻ còn cha mẹ già vẫn yêu thương, quan tâm thể hiện tình cảm cần biết đó là một may mắn. Tình yêu không có tuổi, cách thể hiện tình yêu cũng muôn hình vạn trạng.

Tình yêu là thứ tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban cho con người, những rung cảm từ sâu thẳm trái tim khiến con người ta tiến lại gần nhau hơn, muốn chia sẻ với nhau nhiều hơn và chúng ta cần trân trọng các sắc thái tình yêu ở bất kì độ tuổi nào. Đặc biệt khi cha mẹ trí tuệ không còn minh mẫn, nhưng trong tâm họ đã từng yêu thương nhau chân thành thì tiềm thức vẫn mách bảo những lời nói thật đáng yêu.

Tình yêu tuổi già là thứ tình yêu đáng trân trọng nhất, vì trải qua bao sóng gió họ vẫn sánh bước bên nhau, người già nhưng tình vẫn còn trẻ mãi. Để có một người yêu thương, chia sẻ mọi vui buồn của cuộc sống đã là một điều hạnh phúc, nhưng tuyệt vời, hạnh phúc hơn rất nhiều khi có một người nắm tay cùng nhau đi đến trọn đời.

Theo GIADINHNET
Nguồn: https://giadinh.net.vn/dan-so/cu-ong-bi-ca-nha-phan-ung-vi-goi-vo-yeu-chuyen-gia-noi-tuoi-nao-thi-khong-nen-goi-anh-em-vo-yeu-chong-yeu-2020111221200594.htm
...