GIA ĐÌNH

Bị sa thải, người phụ nữ trung niên giấu con đi làm "ô sin"

25/02/2021 - 23:30

Mất việc làm ở tuổi gần 50, ngoài những lúc đi giúp việc nhà theo giờ, cô Hà lang thang ngồi công viên, ghế đá... chờ hết giờ mới về nhà.

Đến rằm tháng Giêng vẫn ở nhà, cô N.T Hà, 49 tuổi, ở TPHCM giải thích với hai con, năm nay tránh dịch nên công ty khai trương muộn, phòng mình đi làm sau. Thật ra, mất việc từ trước Tết ba tháng, cô đang tìm cách kéo dài thời gian ở nhà chính đáng.

Trong 18 năm qua, cô Hà làm việc tại một hệ thống siêu thị bán lẻ có tiếng. Trong đợt công ty cắt giảm nhân sự do Covid-19, lần lượt rồi cũng đến lượt cô. Đang từ một người vui vẻ, năng động, cô trở nên buồn rầu vì rơi vào cảnh thất nghiệp. 

 

 

Nhiều chị em trung niên bị áp lực về tâm lý khi mất việc (Ảnh minh họa)

Cô âm thầm gửi hồ sơ xin việc, nhờ bạn bè giới thiệu nhưng không thấy phản hồi. Tuổi này khó xin việc, ai cũng ngại giới thiệu việc làm cho người sắp về hưu.

Chồng cô làm việc tự do, giờ lớn tuổi chỉ quanh quẩn ở nhà, cô Hà là trụ cột kinh tế trong gia đình. Mấy tháng qua, cô đã phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm lâu nay. 

Cô giấu gia đình chuyện bị sa thải. Trong thời gian tìm việc làm, cô vào một diễn đàn xin đi giúp việc nhà theo giờ. Tưởng dễ mà không dễ, chủ yếu họ thuê ngoài giờ, rất khó cô mới tìm được mối làm trong giờ hành chính. 

Vậy nhưng, tuần cũng chỉ vài buổi, mỗi buổi vài tiếng. Nhiều tháng qua, cô vào vai đi làm bình thường, giúp việc nhà xong, cô Hà lại ra công viên ngồi hoặc vào nhà sách ngồi chờ đến hết giờ làm. Vô cùng mệt mỏi và chán nản, cô chưa biết những ngày tháng tới phải thế nào. 

Lướt hàng loạt trang thông tin tuyển dụng, chị Lê Thanh Nga, 48 tuổi, chuyên ngành biên tập, xuất bản thở dài não nề khi gần như 100% nơi tuyển dụng yêu cầu: Dưới 35 tuổi.

 

 

Nhiều người phải bươn chải nhiều công việc khác để mưu sinh (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn)

Ngành xuất bản khó khăn, chị cũng từng chuyển một vài nơi cho đến khi "yên vị" được gần 10 năm tại một nhà sách. Chị chăm chỉ, cẩn thận nhưng thừa nhận mình không phải là người quá năng động, lại không bon chen nên khi công ty cắt giảm, thay đổi nhân sự, chị ra đi. 

Xin việc mới khó, áp lực về kinh tế, tâm lý, chị thật sự bị khủng hoảng, suy sụp. Sức khỏe tuổi này bắt đầu đi xuống, hai tuần đầu tiên nghỉ việc, chị không ngủ được, giảm gần 5kg, người xơ xác, hốc hác. 

Vực dậy, chị được người quen giới thiệu công việc lau dọn, phục vụ tại một quán nước. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch, quán lúc đóng lúc mở, lại vắng khánh nên làm vui là chính, thu nhập không bao nhiêu. Ngoài ra, chị cũng nhận thêm công việc đóng gói sách bán online cho mối quen. 

Tuổi chị, cầm hồ sơ đi xin việc hẹp cửa, mà chính mình cũng rất ngại ngần. Mất việc cũng đồng nghĩa với việc bị cắt đi môi trường, liên kết với đồng nghiệp, tương tác với mọi người.. Với tuổi trung niên, điều này có thể dẫn đến những khủng hoảng. 

Dù là tự nguyện nghỉ việc nhưng gần một năm qua, cô Nguyễn Thu Anh, 54 tuổi, làm bộ phận văn phòng tại một công ty truyền thông ở Bình Thạnh, TPHCM cũng bị sốc, phải đi khám tâm lý. 

Công ty khó khăn, cắt giảm lương thưởng cũng như cắt giảm nhân sự. Cô Anh lớn tuổi nhất phòng, lại sống một mình, không bị áp lực nuôi con như mấy bạn kém tuổi nên cô chủ động xin nghỉ. 

Cô có điều kiện kinh tế mà còn chơi vơi vô cùng, nhất là khi bản thân chưa có sự chuẩn bị những kế hoạch "về hưu" cho mình. Thời gian đầu cô còn đi thăm bạn bè, về quê, đi chùa... nhưng sau đó, trở về cuộc sống thực, quanh quẩn trong nhà  trống trải, buồn bã vô cùng. 

 

 

Theo khảo sát, nhiều lao động nữ chọn công việc bán hàng rong sai khi bị sa thải (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn)

Thấy mình còn trẻ, có sức khỏe, vẫn còn năng lực làm việc, cô Anh đang đi xin việc làm nhưng không hề là chuyện dễ dàng. Nhất là tìm việc phù hợp, yêu thích ở độ tuổi này. 

Thất nghiệp ở tuổi trung niên là điều ít người lường trước nhưng có thể ập đến bất kỳ lúc nào. Hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều ưu tiên người trẻ nên khi khó khăn, cắt giảm, nhân sự lớn tuổi thường là đối tượng ít được "giữ chân". So với người lao động trẻ, khả năng xin việc làm của họ cũng khó khăn hơn rất nhiều. 

Theo số liệu từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sau khi bị sa thải do tác động của Covid-19, hơn 40% số công nhân lao động làm công việc tự do. Riêng với lao động nữ, có tới hơn 80% lựa chọn công việc là bán hàng rong.

Theo Dân trí
Nguồn: https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/bi-sa-thai-nguoi-phu-nu-trung-nien-giau-con-di-lam-o-sin-20210225084827961.htm
...